Tây Sơn chuyển đổi cây trồng cạn hiệu quả
Mía từng là cây trồng cạn chủ lực của huyện Tây Sơn với diện tích có khi lên đến gần 1.500 ha (cả huyện có tổng cộng khoảng 7.000 ha cây trồng cạn). Tuy nhiên, từ năm 2015, khi Nhà máy đường Bình Định hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt là khi bị đình chỉ hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường (năm 2018), cây mía mất vị trí chủ lực, người trồng mía đã tìm loại cây trồng khác thích hợp để thay thế.
Cánh đồng rộng soi An Chánh, thôn An Chánh (xã Tây Bình), nơi bà con đã phá bỏ 56 ha mía để chuyển sang trồng bắp, đậu phộng và ớt.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú, cho biết: “Xã từng có tới 80 ha mía, nhưng chừng 3 năm nay người dân đã chuyển dần sang trồng sả, đến năm 2018 thì hoàn toàn không còn ai trồng mía nữa. Cây sả bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, giá sả hiện ở mức 7.000 đồng/kg, mỗi sào sả cho thu nhập 5 triệu đồng/vụ, so với mía cao gấp 4 lần. Nếu dự án xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu sả thành hiện thực, cây sả sẽ thành cây trồng chủ lực”.
Tại xã Tây Bình, 4 năm trở lại đây người dân đã phá bỏ hơn 56 ha mía để chuyển sang trồng đậu phụng và bắp. Đến nay, xã chỉ còn khoảng 7 ha mía (chủ yếu cung cấp cho các quán giải khát). Ông Trần Văn Liên (thôn An Chánh) cho hay: “Gia đình tôi chuyển 8 sào mía sang trồng bắp làm thức ăn gia súc. Loại cây trồng này lợi công chăm sóc, thu hoạch, đầu ra rất ổn định, mỗi năm có thể luân canh 3 - 4 vụ, lãi hơn 3 triệu đồng/sào”.
Tây Thuận từng được mệnh danh là “xã mía”, nhưng sau nhiều mùa “mía đắng”, những ruộng cỏ phục vụ chăn nuôi bò đã thế chỗ. Ông Hồ Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Thuận, cho biết: “Xã chúng tôi từng có tới 450 ha mía, nhưng nay chỉ còn chừng 100 ha. Bà con tiếc cây mía lắm nhưng đành chịu. Nhiều chuyên gia nông nghiệp còn động viên, trồng cỏ nuôi bò kiểu Tây Thuận vừa có hiệu quả kinh tế khá, vừa thân thiện với môi trường nên chúng tôi đang khuyến khích bà con nhân rộng”.
Ông Lê Công Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, cho hay: “Cây mía lương ương quá nên huyện khuyến khích bà con chủ động tìm loại cây trồng phù hợp để chuyển đổi, với sự tư vấn hỗ trợ của các ngành chức năng. Kết quả, bà con đã chuyển đổi được hơn 1.300 ha từ trồng mía sang trồng sả, đậu phụng, cỏ nuôi bò… Tất cả các diện tích đã chuyển đổi đều đạt hiệu quả kinh tế khá hơn cây mía”.
ÐINH THỊ MINH NGỌC