Gạc Ma - ngày ấy, không quên
Những ngày này, các cựu binh Trường Sa tại miền Trung lại tất bật đến nhà đồng đội - những chiến sĩ đã ngã xuống trên đảo Gạc Ma bởi nòng súng của quân Trung Quốc ngày 14.3.1988. Có người đến tận nhà đồng đội thắp nén hương. Có nơi làm lễ giỗ vọng cho 64 đồng đội như một lời tri ân những người nằm lại Gạc Ma.
Cựu binh Gạc Ma ôm nhau thắm thiết ngày gặp lại. Ảnh: NGỌC OAI
Giỗ vọng Gạc Ma
Ở thôn Xuân Thủy (xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) có liệt sĩ Trần Văn Quyết, hy sinh trong sự kiện Gạc Ma năm 1988. Mãi đến năm 2009, hài cốt liệt sĩ Trần Văn Quyết mới được tìm thấy nhờ xét nghiệm AND và đưa về quê nhà. Căn nhà thờ anh và bố mẹ đã xuống cấp, anh em ra riêng ai cũng nghèo khó.
Ông Trần Đình Cương, anh trai liệt sĩ Trần Văn Quyết, kể lại: “Ngày đón em về, thờ trong căn nhà cấp 4 xập xệ. Năm 2016, nhờ các nhà hảo tâm vận động và xã hội hóa, nhà thờ cho em trai mới được xây dựng kiên cố, chống được lũ. Căn nhà gần 200 triệu đồng, rất chắc chắn. Tui nghĩ mãi rồi bàn với anh em họ tộc, quyết định căn nhà này ngoài thờ liệt sĩ Trần Văn Quyết thì cũng là nơi thờ vọng 63 đồng đội của em trai. Dù không sinh cùng ngày nhưng lại hy sinh cùng ngày vì nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương”.
Người đầu tiên thực hiện tục giỗ vọng 64 liệt sĩ Gạc Ma là cụ Hoàng Nhỏ ở thôn Tân Định (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Cụ Hoàng Nhỏ năm nay ngoài 91 tuổi, đã tiếp nối truyền thống 31 năm làm giỗ cho con mình và đồng đội của con với tấm chân thành của tình phụ tử. Theo lời cụ, mâm thờ luôn sắp đặt 64 cái bát, 64 đôi đũa. Trên bàn thờ vọng là danh sách 64 liệt sĩ in ngay ngắn để hóa vàng.
Gia đình cụ Hoàng Nhỏ mỗi năm đều tổ chức giỗ 64 liệt sĩ Gạc Ma. Ảnh: MINH PHONG
Anh Nguyễn Văn Tấn, Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng, mấy ngày này lại chung tay với đồng đội lo giỗ vọng đồng đội đã nằm lại Gạc Ma. Từ năm 2012 đến nay, ban liên lạc chọn trụ sở Công ty Kỹ thuật - Dịch vụ - Thương mại hàng hải Nguyên Tiến (nằm trên đường Đặng Nhữ Lâm, Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) làm nơi tụ họp của bộ đội Trường Sa và giỗ vọng 64 chiến sĩ nằm lại Gạc Ma. Ông chủ công ty này là anh Trần Văn Tiến, đi bộ đội Trường Sa năm 1988.
“Anh em đồng đội chúng tôi đã cống hiến tuổi trẻ và xương máu của mình ở Trường Sa nên chúng tôi có ước nguyện là được quay lại Trường Sa, được ngụp lặn trong nước biển, nơi có dòng máu của đồng đội chúng tôi hòa chung vào vị mặn của biển”.
Anh Nguyễn Văn Tấn, Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng
“Cứ tới ngày 14.3, anh em chúng tôi kẻ Trung, người Bắc về ngồi lại cùng nhau để làm giỗ cho mấy anh em nằm lại Gạc Ma và ôn lại những ngày đi xây đảo. Những thằng đàn ông ngồi nhắc lại chuyện cũ là uất nghẹn, như cái hồi ngồi quanh cái radio nghe Đài tiếng nói Việt Nam phát đi phát lại bản tin quân Trung Quốc nổ súng giết đồng đội để chiếm đảo Gạc Ma. Lúc đó, hơn 60 anh em đang ngồi trên chiếc sà lan ở đảo Tốc Tan”, anh Tấn nghẹn ngào.
Những ngày sau khi mất Gạc Ma, anh em công binh vẫn tiếp tục xây đảo Tốc Tan với tốc độ nhanh nhất. Kế hoạch là xây đảo trong 2 tháng, nhưng chưa đến 1 tháng đã hoàn thành. Xây xong, tàu không thể vào kéo sà lan về nên hơn 60 công binh mắc kẹt ở Tốc Tan trong 3 tháng, phải tiết kiệm từng giọt nước ngọt. Nhiều anh em bắt đầu bị phù thũng, teo cơ vì thiếu rau.
Anh Tấn kể, trong lứa công binh E83 đi Trường Sa đầu năm 1988, Đà Nẵng có 30 người; cánh đi HQ604 xây đảo Gạc Ma có 10 người Đà Nẵng nhưng bị quân Trung Quốc giết hết 9 người, chỉ duy nhất anh Dương Văn Dũng còn sống, sau đó bị bắt về giam tại Liêu Đông 45 tháng cùng 8 đồng đội khác. Sau khi được thả, anh Dương Văn Dũng trở về Đà Nẵng và kiếm sống qua ngày bằng nghề thợ hồ trong nghèo khó. Những cựu binh Trường Sa đã chung tay giúp đỡ anh Dũng có được cuộc sống tương đối thì anh phát hiện có khối u trong não, rồi không nhớ lại.
Quán phở “Gạc Ma - Trường Sa”
Nằm sâu trong phố biển Quy Nhơn (Bình Định) có một quán phở đặt tên là “Gạc Ma - Trường Sa”. Chủ nhân của quán phở là anh Lê Minh Thoa (53 tuổi) - một nhân chứng vào thời khắc quân Trung Quốc nổ súng chiếm đảo Gạc Ma 31 năm trước, 14.3.1988. Anh Thoa lý giải việc đặt tên quán là Gạc Ma - Trường Sa như một lời nhắc nhớ ngày mất Gạc Ma, ngày những đồng đội của ông bị bắn chết và nằm lại trên đảo.
Vào ngày 11.3.1988, Lê Minh Thoa được điều động sang tàu HQ 604, thuộc Hải đội 1 (Lữ đoàn 125) để nhận nhiệm vụ tăng cường vận tải cho đảo Trường Sa (Khánh Hòa). 2 ngày sau, tàu HQ 604 chạm đến mũi đá đầu tiên ở đảo Gạc Ma. Mặc các tàu Trung Quốc vây ráp, đợi triều cường xuống, những chiến sĩ Lữ đoàn 125 vẫn mang dụng cụ, lương thực rời tàu lên đảo Gạc Ma để cắm cờ Tổ quốc.
Rạng sáng 14.3.1988, thấy cờ Việt Nam bay trên đảo Gạc Ma, tàu Trung Quốc bắt đầu nổ súng nhưng các chiến sĩ công binh vẫn vây quanh quyết tử bảo vệ cờ Tổ quốc. Pháo vẫn nổ ác liệt cho đến 6 giờ sáng cùng ngày, Trung Quốc mới quay sang nã vào 3 tàu của Hải quân Nhân dân Việt Nam là HQ 604, HQ 605, HQ 505.
Hai tàu HQ 604 và HQ 605 bốc cháy dữ dội rồi chìm dần xuống biển. Thoa rời khoang tàu HQ 604, ngoi lên khỏi mặt biển và may mắn vớ được 2 quả bí đỏ. Lấy bí làm phao, Thoa gồng mình cầm cự giữa biển và sau đó bị tàu Trung Quốc bắt giữ, đưa về giam cầm tại Lôi Châu cùng 8 đồng đội trên tàu HQ 604. “Đó là 1.380 ngày tù đày, cực khổ ở Lôi Châu”, anh Thoa uất nghẹn.
Quán phở “Gạc Ma - Trường Sa” nằm ở cuối đường Tăng Bạt Hổ (TP Quy Nhơn) đông hơn trong những ngày cận kề lễ tưởng niệm những đồng đội nằm lại ở Gạc Ma. Trong đó, không chỉ cán bộ về hưu, cựu binh, bộ đội biên phòng, mà còn cả công chức, trí thức, học sinh. Quán phở của anh Thoa như là dấu chỉ để người dân tìm đến tưởng niệm.
Theo MINH PHONG - NGỌC OAI - NGUYÊN KHÔI (SGGP)