Tăng cường phối hợp giữa UBTVQH và Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam
Năm 2019, Quốc hội và UBTV Quốc hội sẽ tiến hành giám sát nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch.
Sáng 14.3, tại Nhà Quốc hội diễn ra Hội nghị liên tịch thường niên giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Tham dự hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên UBTVQH, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Hội nghị.
Theo Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2018, nội dung phối hợp giữa hai cơ quan có trọng tâm và ngày càng đi vào thực chất, thiết thực hơn.
Nội dung phối hợp đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai bên và quy định của Quy chế phối hợp. Việc tổ chức, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân được hai bên phối hợp chặt chẽ hơn.
Các hình thức giám sát đã được hai bên quan tâm đa dạng hóa, không chỉ tập trung vào việc thành lập đoàn giám sát mà còn mở rộng các hình thức như giám sát văn bản, giám sát tại kỳ họp, theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Các hoạt động phối hợp giám sát đã bổ sung, hỗ trợ nhau giữa giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước và các hình thức giám sát nhân dân.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số hạn chế như, công tác phối hợp trong xây dựng pháp luật, góp ý kiến, phản biện xã hội đối với các dự án luật cần được hai bên quan tâm nhiều hơn nữa. Việc tiếp thu ý kiến góp ý và kiến nghị sau phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam còn chưa được một số cơ quan hữu quan quan tâm, phản hồi.
Về phía Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng chưa quyết liệt trong việc theo dõi, đôn đốc việc tiếp thu, trả lời của các cơ quan đối với ý kiến góp ý và kiến nghị sau phản biện xã hội. Trong tổ chức tiếp xúc, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, ở một số nơi, việc tiếp xúc cử tri còn trùng lắp về địa bàn, đối tượng, nội dung giữa Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao công tác phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2018.
Toàn cảnh hội nghị.
Sau một năm thực hiện Quy chế (sửa đổi), công tác phối hợp trong tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong năm qua tiếp tục được hai cơ quan chú trọng đẩy mạnh, nhằm động viên các tầng lớp Nhân dân hăng hái thi đua, thực hiện. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các hoạt động này đã giúp cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội ngày càng gần dân hơn, thu thập được nhiều thông tin thiết thực, tin cậy, góp phần nâng cao hoạt động của mình.
Để thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, MTTQ cũng luôn gần gũi, sâu sát với các tầng lớp nhân dân. Các ý kiến đóng góp, tham gia của MTTQ cũng luôn kịp thời phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, bảo đảm các luật được thông qua phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao.
Về việc tăng cường phối hợp trong hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, việc đôn đốc, giải quyết các kết luận sau Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hoạt động này giúp hai cơ quan hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
“Việc phối hợp trong công tác tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân ngày càng được coi trọng và có nhiều đổi mới. Với vai trò là cơ quan chủ trì, phối hợp trong việc tổ chức các hoạt động tiếp xúc cử tri, Mặt trận Tổ quốc thường xuyên có điều kiện lắng nghe, ghi nhận, tập hợp, tổng hợp đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân để phản ánh tới Quốc hội và kiến nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan xem xét, giải quyết”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trong năm 2018, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, để lại dấu ấn quan trọng, được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, để đạt được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan của Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội còn có sự đóng góp quan trọng của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành kế hoạch cả nhiệm kỳ của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng thời là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, đòi hỏi hai cơ quan cần phối hợp chặt chẽ hơn, thường xuyên hơn và hiệu quả hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Hai bên cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ trong xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… Đẩy mạnh hoạt động phối hợp trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các luật, nghị quyết, pháp lệnh của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các Hội đồng tư vấn của MTTQ trong việc tham gia xây dựng pháp luật và phản biện xã hội, nhất là tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án luật, như: Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ Luật lao động (sửa đổi), Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)… Các cơ quan của QH cần nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu thỏa đáng các ý kiến góp ý và phản biện của Đoàn Chủ tịch.
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị.
Trong lĩnh vực giám sát, năm 2019, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đây là những vấn đề nóng, bức xúc, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, được cử tri rất quan tâm.
“Đề nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp với các Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng tham gia các hoạt động giám sát, đóng góp ý kiến xác đáng, chất lượng, hiệu quả vào để kết quả giám sát thực chất, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Tôi đề nghị các ủy ban của Quốc hội chủ trì các giám sát chuyền đề này chủ động mời các thành viên Mặt trận tham gia giám sát từ khâu lập kế hoạch, đi thực tế và lắng nghe ý kiến, tiếp thu để hoạt động giám sát thực chất, đáp ứng nhu cầu của người dân”-Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát và phản biện của MTTQ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quan tâm chỉ đạo việc tăng cường phối hợp trong triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Hai bên tiếp tục chỉ đạo việc đổi mới hình thức tổ chức, nội dung, đối tượng tiếp xúc cử tri để thu hút được nhiều cử tri tham gia và thể hiện được đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị xác đáng, có chất lượng. Đồng thời, tăng cường phối hợp, nâng cao chất lượng tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân./.
Theo Lê Tuyết (VOV)