Vĩnh Thạnh phát triển nghề nuôi cá lồng
Vài năm trở lại đây, nghề nuôi cá nước ngọt phát triển ở huyện Vĩnh Thạnh, góp phần ổn định cuộc sống của người dân. Đặc biệt, nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi Định Bình (ở xã Vĩnh Hảo) phát triển mạnh.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, đến nay, diện tích nuôi cá nước ngọt toàn huyện là 82 ha; trong đó, có 29 hộ dân nuôi cá lồng tại hồ Định Bình với số lượng 350 lồng (50 m3/lồng), sản lượng hơn 700 tấn/năm, thu nhập của người nuôi cá từ 60 - 80 triệu đồng/năm/hộ.
Bè nuôi cá lồng của ông Võ Hồ Châu, ở thôn Định An, thị trấn Vĩnh Thạnh.
Ông Trần Công Quang, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Mỗi năm người nuôi cá lồng tại hồ Định Bình xuất bán 2 vụ. Các giống cá nuôi, như: điêu hồng, thác lác, trê… sinh trưởng tốt, đạt sản lượng thương phẩm cao, mang lại hiệu quả kinh tế khá. Đánh giá cao đóng góp của nghề nuôi cá lồng, huyện đã đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi cá đi lại chăm sóc, vận chuyển, buôn bán sản phẩm; hỗ trợ các mô hình, kỹ thuật nuôi để người nuôi chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho cá nuôi”.
Xã Vĩnh Hảo hiện có 19 hộ nuôi cá lồng tại hồ Định Bình với 202 lồng nuôi, bình quân mỗi hộ nuôi từ 7 - 8 lồng. Năm 2018, sản lượng cá thu hoạch hơn 500 tấn, mỗi hộ nuôi thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm. Bà Trần Thị Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo, cho hay: “Xã có diện tích đất sản xuất ít, chủ yếu là đất rừng. Bởi vậy nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi đã mở hướng phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng lên 18,5 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 47%”.
Ông Nguyễn Tứ Hữu, ở thôn Định Tam, xã Vĩnh Hảo, người gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên hồ Định Bình hơn 5 năm, bộc bạch: “Tôi nuôi cá điêu hồng và cá trê. Nhờ đầu ra sản phẩm ổn định, nên trừ chi phí cũng lãi được 80 triệu đồng/năm. Cá điêu hồng vẫn là giống chủ lực được người nuôi cá ở đây chọn nuôi”.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao của nghề nuôi cá lồng, nhiều hộ dân trong huyện Vĩnh Thạnh cũng đã đầu tư lồng, bè để nuôi cá tại hồ Định Bình. Ông Võ Hồ Châu, ở thôn Định An, thị trấn Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Làm nông ít hiệu quả, thu nhập thấp, nên tôi chuyển qua nuôi cá lồng hơn 4 năm nay. Tôi nuôi 1 lồng với 12 ô nuôi 1.000 con cá điêu hồng, cá trê. Nhờ nuôi cá, kinh tế gia đình tôi cũng khá hơn”.
Ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết, huyện sẽ tiếp tục định hướng nghề nuôi cá lồng, nghề nuôi cá tại các ao, hồ nhỏ khác theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo điều kiện thực tế tại địa phương. Khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển nuôi cá theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phát triển KT-XH của huyện.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN