Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện vận tải: Nhiều tiện ích
Thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên các phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hóa đã giúp cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ; đồng thời tạo điều kiện cho chủ phương tiện, DN, hợp tác xã kinh doanh vận tải quản lý hành trình chạy xe hiệu quả hơn.
Nhiều tiện ích
Theo thống kê của Sở GTVT, toàn tỉnh hiện có khoảng 9.000 phương tiện được lắp thiết bị giám sát hành trình (GPS), trong đó có trên 1.700 ô tô khách, 7.000 ô tô tải, 800 xe taxi, 80 xe buýt… Đáng chú ý, ngoài việc đầu tư lắp đặt GPS trên phương tiện, nhiều DN vận tải trên địa bàn tỉnh còn thành lập bộ phận chuyên biệt để quản lý ATGT của phương tiện. Tại những đơn vị này luôn có bộ phận giám sát lái xe điều khiển phương tiện lưu thông trên đường để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những vi phạm.
Công ty TNHH Kinh doanh Vận tải Sơn Tùng lắp đặt riêng một phòng giám sát ATGT phương tiện thông qua thiết bị GPS.
Đơn cử như tại HTX Vận tải TATACO (TP Quy Nhơn), đơn vị có hẳn một văn phòng để quản lý tình hình hoạt động của phương tiện thông qua thiết bị GPS. Bộ phận quản lý này dễ dàng theo dõi hành trình hay tốc độ di chuyển trên đường của gần 100 phương tiện trong HTX. Ông Nguyễn Đăng Danh, Giám đốc HTX Vận tải TATACO, khẳng định: “Việc gắn thiết bị GPS trên mỗi phương tiện đã giúp cho đơn vị có thể quản lý tốt từng xe. Phương tiện nào không được lắp GPS, đơn vị kinh doanh vận tải rất khó nắm bắt, giám sát, quản lý được hành trình phương tiện trong suốt quá trình tham gia giao thông trên đường”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải Trường Thịnh, cho biết đơn vị có tất cả 13 ô tô khách giường nằm đều được lắp thiết bị GPS. “GPS ngoài việc giúp cho đơn vị vận tải giám sát hành trình xe chạy, tốc độ phương tiện, thời gian lái xe… còn tạo điều kiện cho đơn vị quản lý, chủ phương tiện giám sát trực tuyến toàn bộ các hoạt động của xe, trong đó có các hành vi vi phạm của lái xe như chạy ẩu, vượt đèn đỏ, bỏ bến, dừng đón khách không đúng quy định, không đóng mở cửa tại điểm dừng; để từ đó có hình thức xử lý vi phạm. Hiệu quả của việc lắp đặt GPS là đã giảm thiểu được sai phạm của lái xe cũng như các vụ tai nạn, va chạm giao thông...”, ông Thảo cho biết.
Còn ông Nguyễn Từ Mẫn, Giám đốc Xí nghiệp xe buýt Quy Nhơn, đánh giá: “Từ khi các xe buýt được lắp thiết bị GPS, số vụ vi phạm nội quy của lái xe như chạy ẩu, phóng nhanh, lấn làn, vượt đèn đỏ, bỏ bến… giảm rõ rệt. Nếu lái xe trên các tuyến buýt có hành vi vi phạm, lập tức thông tin được báo về trung tâm, kíp trực có nhiệm vụ tiếp nhận, chuyển cho lực lượng giám sát kiểm tra, xử lý”.
Chấn chỉnh những hạn chế
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc lắp đặt thiết bị GPS có tác dụng nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời lái xe trong điều chỉnh tốc độ khi lưu thông trên đường, nhằm giúp họ tránh những vi phạm về Luật Giao thông đường bộ cũng như tai nạn đáng tiếc. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện quy định này còn hạn chế. Ông Đặng Cao Thanh, Trưởng Phòng quản lý vận tải Sở GTVT, nhìn nhận: “Ngoài việc lái xe không chú trọng việc lắp đặt thiết bị GPS thì phương thức giám sát, xử lý hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là vẫn có số ít chủ phương tiện, HTX kinh doanh vận tải còn khoán trắng cho lái xe, dẫn tới việc vận hành thiết bị GPS chưa chặt chẽ!”.
Để kiểm soát, hạn chế những lỗi vi phạm xảy ra, Sở GTVT đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý. Cụ thể, năm 2018, thông qua công tác giám sát dữ liệu hành trình, Sở GTVT đã xử lý thu hồi phù hiệu 1 tháng đối với 65 xe vi phạm tốc độ; xử lý ngừng hoạt động và thu hồi phù hiệu 40 phương tiện vi phạm bỏ bến, bỏ chuyến; đình chỉ khai thác tuyến 1 tháng 4 phương tiện vận tải hành khách cố định; nhắc nhở lần đầu 260 phương tiện vi phạm tốc độ, 210 phương tiện bỏ bến, bỏ chuyến và hàng trăm phương tiện không truyền dữ liệu thiết bị GPS về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Theo Sở GTVT, để làm tốt việc quản lý lắp đặt thiết bị GPS của các lái xe, Sở yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải có kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện theo đúng quy định; thực hiện kiểm tra nghiêm túc việc bảo đảm an toàn kỹ thuật của phương tiện trước khi đưa vào hoạt động vận tải; yêu cầu lái xe phải thực hiện kiểm tra các hệ thống an toàn của xe (hệ thống lái, phanh, chiếu sáng…) trước khi xe lên, xuống các đoạn đường đèo. Tuyệt đối không đưa các phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, thiết bị GPS không hoạt động hoặc đã hết hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vào hoạt động.
TRỌNG LỢI