Khoảng trống môn bơi lội
Trong cuộc họp sơ kết 9 tháng đầu năm 2013, Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đã lưu ý, thời gian qua tình trạng trẻ em chết do đuối nước tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên xảy ra khá phổ biến. Điều này có lý do một phần từ công tác phổ cập môn bơi lội trong nhà trường chưa được quan tâm đúng mức, phần nữa là môn bơi lội ở các tỉnh chỉ dừng lại ở mức độ phong trào mà không phát triển thành tích cao. Ông Thắng đã có ý kiến chỉ đạo ngành TDTT các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cần sớm nghiên cứu phát triển đào tạo môn bơi lội để vừa tạo động lực cho phong trào được rộng mở, vừa tìm kiếm tài năng phục vụ cho thể thao thành tích cao của các tỉnh.
Ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, ngoại trừ TP Đà Nẵng với sự đầu tư mạnh mẽ và gặt hái được thành tích ở môn bơi lội, các tỉnh còn lại vẫn chỉ dừng lại ở mức phong trào, thậm chí bộ môn bơi gần như bị “tê liệt”. Tại Bình Định, môn bơi lội cũng gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực, kinh phí, chiến lược phát triển. Hiện tại, môn thể thao thuộc chương trình thi đấu Olympic này chưa có giải thi đấu cấp tỉnh, thậm chí không được đưa vào chương trình thi đấu Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh. Ngày hội thể thao lớn nhất của tỉnh là Đại hội TDTT toàn tỉnh từ trước đến nay cũng chưa bao giờ điền tên môn thể thao sông nước này vào chương trình thi đấu. Ở cấp độ thành tích cao, do chấn thương dai dẳng của VĐV trẻ Nguyễn Đình Nhật Nam, bơi lội Bình Định thời gian gần đây có dấu hiệu chững lại đáng kể về thành tích lẫn số lượng VĐV tham gia các giải quốc gia.
Công bằng mà nói, việc môn bơi lội chưa phát triển ở tỉnh ta lỗi không hoàn toàn thuộc về những nhà hoạch định chính sách ngành TDTT. Muốn phát triển bộ môn này, điều kiện tiên quyết là phải đáp ứng đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, tổ chức thi đấu. Tuy nhiên, điều kiện về cơ sở vật chất của môn bơi lội hiện nay ở Bình Định vẫn còn khá khiêm tốn. Toàn tỉnh hiện có 570 CLB TDTT, trong đó có 11 bể bơi nhưng chất lượng các hồ bơi chưa đạt chuẩn, một số hồ bơi đã xuống cấp trầm trọng, chỉ có thể đáp ứng nhu cầu “thể dục” chứ chưa phải là “thể thao”.
Một trong những điều kiện quan trọng để bơi lội phát triển là việc đầu tư cơ sở vật chất, tập trung tuyển chọn VĐV, đào tạo kỹ năng bài bản. Đây là điều mà các nhà hoạch định chính sách TDTT của tỉnh phải suy nghĩ tìm hướng đi để tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo tỉnh. Có như vậy, bơi lội mới có điều kiện thuận lợi để phát triển cả về phong trào lẫn thành tích cao.
KIM PHƯƠNG
Nhìn lại Bình Định, chúng ta cảm thấy chạnh lòng cho môn bơi lội. Chưa cần nói gì nhiều, chỉ cần nhìn: TP.Qui Nhơn là đô thị loại 1- toàn tỉnh BĐ chỉ có duy nhất 01 cái hồ bơi do nhà nước xây dựng, nằm trong SVĐ. Vậy mà cũng không ai quan tâm, cấp kinh phí để "nuôi" nổi nó cho bài bản, đúng tiêu chuẩn...thì đừng mong nói gì về thành tích bơi lội ! Cách đây hơn 25 năm, thị xã Qui Nhơn còn tổ chức các giải thi bơi trên biển, nhiều nhân tài được phát hiện từ đó. Vậy mà nay, lên đô thị loại 1, lãnh đạo thành phố quên luôn chuyện quan tâm cho môn thể thao cực tốt cho sức khỏe này! Vậy mà cứ tự hào là thành phố biển !