Bảo mẫu khuyết tật của trẻ khuyết tật
Làm bảo mẫu cho trẻ khuyết tật vốn là một công việc vất vả. Khi bảo mẫu của trẻ khuyết tật cũng là người khuyết tật, vất vả nhân lên. Song, niềm vui và tình thương lại đầy ắp bởi mỗi bảo mẫu đều tìm thấy sự đồng cảm, tìm thấy chính mình trong mỗi em nhỏ khuyết tật.
Là mẹ, là chị
Một ngày làm việc của bảo mẫu Nguyễn Thị Thắm (27 tuổi, quê ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) tại Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn bắt đầu từ 5 giờ 30 phút với việc cho các em nhỏ khiếm thính ở nội trú ăn sáng tại nhà ăn. Cô liên tục di chuyển giữa các bàn ăn, nhắc nhở các em tự ăn hoặc tận tay đút thức ăn để các em kịp giờ lên lớp.
Đầu giờ học, Thắm ghé thăm các lớp khiếm thính để xem danh sách học sinh đến lớp rồi báo suất ăn trưa với nhà bếp. Đến 9 giờ sáng, cô quay lại với việc chuẩn bị bàn ghế, sẵn sàng cho buổi ăn trưa của 44 em. Sau bữa ăn, Thắm sắp xếp chỗ ngủ cho các em; đánh thức các em để quay lại lớp lúc 13 giờ 30 phút. Buổi chiều, Thắm lại cho ăn, tắm rửa, chơi cùng các em ở lại khu nội trú và sắp xếp việc ngủ của các em. Trưa thứ Sáu hàng tuần, Thắm còn có thêm việc giúp các em chuẩn bị quần áo để về quê với cha mẹ.
Bảo mẫu Thắm đút cơm cho trẻ khiếm thính tại Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn.
Phụ trách nhóm trẻ khiếm thính, bản thân cũng là người khiếm thính, Thắm giao tiếp với các em nhỏ bằng ngôn ngữ ký hiệu và ngôn ngữ hình thể. Sự tương thông, đồng cảm về mặt khiếm khuyết, cộng với việc ăn, ở cùng các em đã giúp công việc của cô thuận lợi. Thắm kể: cũng không thiếu những lúc cô bực mình với các em nhỏ bởi sự nghịch ngợm, ương bướng. Bù lại, nhiều em gái hiểu chuyện cũng tham gia giúp Thắm nhắc nhở các em.
Bị khuyết tật vận động, chị Trần Thị Thanh (40 tuổi, ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát) và Trịnh Thị Phương Thúy (36 tuổi, ở xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) hiện đang chăm sóc cho hơn 30 trẻ khuyết tật tại Trung tâm BTXH Đồng Tâm. Chăm sóc trẻ ở hai dạng tật: khiếm thính và thiểu năng trí tuệ, hai chị đôi khi “căng não” bởi những lần cãi vã, nghịch ngợm của trẻ. Chị Thanh kể: “Chỉ riêng chuyện đứa này lấy dép của đứa kia giấu mà ngày nào cũng diễn ra. Đứa thì khóc thét lên đòi. Đứa thì đi lang thang khắp dãy nhà, lải nhải liên tục... Mình phải dùng đủ giọng điệu, cách thức, từ nhỏ nhẹ, ngọt dịu đến nghiêm khắc, đôi lúc còn phải ngó lơ, để dàn xếp các mâu thuẫn”.
Hầu hết trẻ khuyết tật ở lại Trung tâm BTXH Đồng Tâm 5 ngày/tuần, đôi khi ở cả 7 ngày nên các chị bảo mẫu thay cho người mẹ hướng dẫn các cháu trong sinh hoạt hằng ngày, từ chuyện ăn, uống, chuyện ngủ, sắp xếp đồ đạc. “Trẻ con khuyết tật, nhất là các cháu thiểu năng thường nói trước quên sau. Rõ ràng mình đã dặn là uống nước phải để ly chỗ này, đổ nước thừa vào chỗ kia nhưng chẳng lần nào cháu làm đúng cả. Chuyện cột mùng, xếp quần áo, mền gối, tự đánh răng..., cô chỉ hoài mà đến lúc các cháu tự thực hiện, cô vẫn chẳng yên tâm được. Những chuyện nhạy cảm hơn như hướng dẫn bé gái tự vệ sinh khi tới kỳ kinh nguyệt, bảo mẫu thay mặt mẹ bé hướng dẫn luôn”, chị Thúy tâm sự.
Nghề chọn mình
Vốn là những người khiếm khuyết, phụ nữ khuyết tật cho rằng họ không có nhiều lựa chọn về công việc. Với họ, công việc bảo mẫu cho trẻ em khuyết tật như một cơ duyên ngẫu nhiên, tình cờ. 5 năm trước, đang là một công nhân nghề may, chị Thúy rẽ ngang qua làm bảo mẫu theo lời đề nghị của Trung tâm BTXH Đồng Tâm. Từng lo ngại về việc lũ trẻ sẽ không chịu nghe lời mình, 5 năm sau, chị nhận ra: bản thân mình phải có niềm tin với công việc mình làm, con trẻ dù bướng bỉnh, nghịch ngợm, vẫn ý thức được ai là người đang giúp đỡ chúng.
Bảo mẫu Thanh (ngồi thứ hai từ trái sang) và bảo mẫu Thúy (ngồi thứ hai từ phải sang) cùng với trẻ khuyết tật tại Trung tâm BTXH Đồng tâm.
Năm 2018 là lần thứ 3 chị Thanh quay trở lại với công việc bảo mẫu tại Trung tâm BTXH Đồng Tâm. Hai lần trước đó, chị cứ làm một thời gian rồi xin nghỉ vì bận bịu việc nhà, phải chăm chồng bị thiểu năng trí tuệ, động kinh. Năm ngoái, cô bảo mẫu Đinh Thị Thức nghỉ sinh, các chị em của Trung tâm nhắn chị Thanh đến làm việc.
Chị Thanh tâm sự: “Mình làm đủ thứ việc hết, giờ lại quay vào làm bảo mẫu. Cứ coi như đây là duyên số. Mức lương mỗi tháng là 2,5 triệu đồng/người vừa đủ để mình dè sẻn, liệu cơm gắp mắm. Bởi ở ngoài, công việc có thu nhập cao hơn một chút nhưng mình áp lực, không đủ sức khỏe. Dù quay lại với công việc mới 7 tháng nhưng sự quyến luyến của những đứa trẻ làm mình thấy gần gũi. Các cháu tội lắm, cuối tuần nào về nhà, quay trở lại là cũng nắm tay, kể đủ thứ chuyện ở nhà”.
Tính đến nay, cô bảo mẫu Thắm đã có hơn 10 năm gắn bó với Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn. Năm 2014 trở về trước, Thắm là học sinh của trường. Sau khi hoàn thành chương trình học, cô được thầy hiệu trưởng tin tưởng, nhận làm bảo mẫu. Với mức lương gần 4 triệu đồng/tháng, Thắm tự nhận, mình may mắn hơn rất nhiều bạn bè khác bởi lại được làm việc trong môi trường quen thuộc, yêu thích và có thu nhập ổn định.
NGUYỄN MUỘI