Người Nước Mặn xưa - đôi nét chấm phá
Trong quá trình Nam tiến, sống trong điều kiện tự nhiên mới, môi trường xã hội mới, người Việt đã nảy sinh những phẩm chất mới giúp họ tồn tại và phát triển. Những phẩm chất này thể hiện trong con người Nước Mặn một thời vang bóng (nay thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước).
Tôn giáo, tín ngưỡng là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Nước Mặn. Nho, Phật, Lão định hướng con người tu hạnh, tu tâm và tu đức vẫn là những yếu tố tinh thần truyền thống nhưng ở người Nước Mặn thuở phồn thịnh từ đầu thế kỷ XVII, sau gần 2 thế kỷ sinh sống nơi đây, tinh thần bao dung, tự do và tôn trọng sự khác biệt tôn giáo, tín ngưỡng đã hình thành như một nét phẩm chất mới trong quá trình Nam tiến.
Người dân đi lễ chùa Bà tại Lễ hội Đô thị Nước Mặn.
Chùa Bà, tồn tại từ khoảng đầu thế kỷ XVII đến giờ, vừa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, Chúa Thai Sinh - Bảo Sản theo tín ngưỡng của người Hoa, vừa thờ Thành Hoàng, tín ngưỡng của người Việt. Nhờ chính sách mở cửa đối với đạo Công giáo mà tại Nước Mặn, các cha Dòng tên người Bồ Đào Nha và Ý được phép xây dựng một nhà thờ (đến nay vẫn còn dấu tích) và được tự do truyền đạo. Chỉ trong 3 năm, 172 người Nước Mặn đã chịu phép rửa tội, một cộng đồng tôn giáo mới đã hình thành ở đây và Công giáo đã trở thành quen thuộc đối với giới bình dân.
Trong Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, theo linh mục Nguyễn Hồng, nhiều cuộc tranh luận, giảng thuyết về tôn giáo với giới quan lại, nho gia và thầy sư, sãi đã được tổ chức ở tư gia hay chốn đình trung. Sau khi đã có nhiều người theo đạo Thiên chúa, chứng tỏ tầm ảnh hưởng ngày một gia tăng của Công giáo, tại Nước Mặn đã xảy ra một cuộc tranh luận tôn giáo khá quy mô. Cuộc tranh luận đặc sắc trước công chúng này diễn ra giữa thầy Tư Bình, một đạo sư nổi tiếng có hàng trăm môn đệ và Buzomi (một giáo sĩ người Ý, sống và truyền đạo tại đây vào giai đoạn đó). Ngay cả Cristophoro Borri trong Xứ Đàng Trong 1621 cũng bày tỏ sự tôn trọng và ngưỡng mộ đối với cách tiếp nhận tôn giáo của người Việt.
Sự bao dung, tự do và tôn trọng sự khác biệt tôn giáo, tín ngưỡng của người Nước Mặn là một yếu tố quan trọng ổn định xã hội, đảm bảo cho sự giao lưu, tiếp biến văn hóa, làm giàu văn hóa bản địa và sự phát triển và phồn thịnh của cảng thị Nước Mặn xưa vì chúng ta đã biết mâu thuẫn, bài xích tôn giáo, tín ngưỡng dẫn đến hậu quả xã hội như thế nào.
Thuở phồn thịnh đầu thế kỷ XVII, đô thị Nước Mặn có những dãy phố chuyên bán một loại hàng hóa như vàng bạc và đồ trang sức, phố tiệm thuốc bắc, phố hàng mã, hàng pháo, hàng nhang đèn, hàng tơ lụa gấm vóc, hàng đồ gốm, hàng mỹ nghệ, hàng đồ đồng, hàng đồ gỗ, hàng sách chữ Hán, đồ thờ cúng.
Lúc ấy, Nước Mặn trở thành một biểu tượng đẹp về đời sống phồn hoa đô hội của phủ Quy Nhơn xưa và của cả xứ Đàng Trong. Sự phồn thịnh của vật chất chắc hẳn phải kèm theo đó là sự “phồn thịnh về tinh thần”. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều chi tiết như các cuộc tranh luận về thiên văn học, sự hợp tác giữa văn nhân, người giỏi chữ Nôm với các thừa sai, giáo sĩ trong việc phiên âm, chú nghĩa chữ Quốc ngữ trong giai đoạn phôi thai; việc cùng chấp nhận và thưởng thức, tham dự xuất hiện các trò chơi dân gian của người Việt; các trò chơi đốt cây bông, đổ giàn có nguồn gốc từ người Hoa và còn có trò chơi chịu ảnh hưởng của các thầy cúng người Chăm như hát mộc xà leo trong những ngày hội chùa Bà… cho thấy sự phồn thịnh về mặt tinh thần ấy.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân trong tác phẩm “Cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền”, người Nước Mặn biết giữ phẩm giá của mình và quý trọng người trong giao tiếp, chân thành, nhân hậu, trọng nghĩa tình trong xử thế, thương yêu, đùm bọc nhau trong hoạn nạn.
Người Nước Mặn cũng không kỳ thị dân tộc, sẵn lòng cứu giúp người nước ngoài bị đắm tàu; họ cởi mở, lịch thiệp, rộng lượng, tạo điều kiện cho người phương xa tới sống hòa hợp với mình. Cristophoro Borris đã ca ngợi nhân cách tốt đẹp của người Nước Mặn trong tác phẩm Xứ Đàng Trong năm 1621:“Từ tính tình rất trọng khách và cách ăn ở giản dị đó mà họ rất đoàn kết với nhau, rất hiểu biết nhau, đối xử với nhau rất thành thật, rất trong sáng như thể tất cả đều là anh em với nhau, cùng ăn uống và cùng sống vui trong một nhà, mặc dầu trước đó họ chưa bao giờ thấy nhau, biết nhau. Họ cho là một nết rất xấu nếu ai ăn món gì dù rất nhỏ mà không chia sẻ cho bạn, bẻ cho mỗi người một miếng”.
Sự tự do tư tưởng, sự phóng khoáng trong phong cách, sự bao dung văn hóa của cư dân Nước Mặn cho phép hình thành các giá trị văn hóa mới; nó là cơ sở của sự tôn trọng những khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, ứng xử, lối sống của một cộng đồng đa dạng về “quốc tịch văn hóa” nơi đây.
NGÔ HỒNG SƠN