Hoài Ân đẩy mạnh xuất khẩu lao động
Nhiều năm qua, UBND huyện Hoài Ân chủ trương hỗ trợ mạnh mẽ để người dân tham gia xuất khẩu lao động và có thể nói chủ trương này đúng đắn, hợp lòng dân, nay đã đến mùa “hái quả ngọt”.
2 năm qua, thanh niên ở huyện Hoài Ân đi xuất khẩu lao động ngày càng nhiều. Về xã Ân Nghĩa, chúng tôi ghé thăm nhà bà Võ Thị Kim Hường (51 tuổi, ở thôn Nhơn Sơn) có 3 người con đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Nhật Bản. Anh Võ Ngọc Thư, 31 tuổi, con trai bà Hường đăng ký đi XKLĐ năm 2007 thì về cưới vợ, có con và lập nghiệp bằng nghề cho thuê và lái xe tải. Vợ Thư vẫn tiếp tục đi XKLĐ ở Nhật Bản lần thứ 2. Em gái Thư là Võ Thị Thắm, 24 tuổi mới hết hợp đồng về quê nghỉ 4 tháng chờ công ty bên Nhật Bản bảo lãnh tiếp tục qua làm việc.
Chị Võ Thị Thắm, thôn Nhơn Sơn, xã Ân Nghĩa (bìa phải) đang phụ mẹ làm việc nhà chờ hoàn tất thủ tục đi XKLĐ lần 2 tại Nhật Bản.
Thắm chia sẻ: “Học xong lớp 12, tôi đăng ký XKLĐ ở Nhật Bản làm nghề lắp ráp điện tử. Công ty lo chỗ ăn ở, đi lại và chính sách khám bệnh định kỳ, mua bảo hiểm... và lương cơ bản 20 - 26 triệu đồng/tháng tùy năng suất lao động. Hiện nay tôi đang làm thủ tục và chờ quay lại Nhật Bản làm việc”.
Cách nhà bà Hường 20 m, gia đình ông bà Nguyễn Dây và Huỳnh Thị Tiến cũng có ba người con đi XKLĐ ở Nhật. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hòa, 31 tuổi, nhờ vốn liếng có được sau mấy năm lao động ở nước ngoài, trở về quê mua đất, xây nhà và mở sạp bán giày dép ở chợ Kim Sơn. Anh con trai út Nguyễn Văn Quy, 26 tuổi cũng mới từ Nhật Bản về, kể: “Tôi học xong lớp 12 đi học nghề về vận hành máy thi công ở TP Quy Nhơn rồi làm việc ở Đắk Lắk, suốt 2 năm mà không dành dụm được gì. Nhưng sau 3 năm làm ở Nhật Bản, tôi để dành được gần 700 triệu đồng!”.
Xã Ân Tường Tây hiện có hơn 250 người đi XKLĐ, 180 người trở về địa phương, với vốn liếng tích lũy được họ đóng góp nhiều không chỉ cho phát triển kinh tế địa phương mà cả trên nhiều lĩnh vực khác từ: công tác xã hội, văn hóa, thể thao và đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới.
Năm 2017, toàn xã Ân Nghĩa có 19 người XKLĐ, sang năm 2018 vọt lên 38 người. Ông Nguyễn Minh Chánh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện nay, toàn xã có 20 người đang làm thủ tục để đi XKLĐ, dự kiến số lượng người đi XKLĐ trong năm 2019 sẽ tăng rất cao”.
Còn ông Trần Văn Tảo, Chủ tịch UBND xã Ân Đức cho biết: “Xã chúng tôi có 30 người đang XKLĐ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, hiện 20 người khác đang làm thủ tục XKLĐ. Người đi trước chỉ bày cho người đi sau, bớt e ngại dần dần chịu đi xa; thu nhập khá, tích lũy tốt thì càng chịu khó lao động hơn”.
Trao đổi với chúng tôi ông Tạ Ngọc Định, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: “Trước đây, công tác XKLĐ chỉ tập trung ở vài xã như Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, thị trấn Tăng Bạt Hổ thì nay trải đều 14 xã, thị trấn. Phòng LĐ-TB&XH rà soát nắm bắt danh sách thanh niên ở độ tuổi 18 - 25, thanh niên xuất ngũ trở về để tập trung tuyên truyền, vận động đi XKLĐ. Hàng năm, lượng tiền của lao động làm việc ở nước ngoài gửi về xấp xỉ 45 tỉ đồng, góp phần giúp bà con xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, buôn bán kinh doanh làm ăn. Đặc biệt, những xã đặc biệt khó khăn, chủ trương XKLĐ là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả ở địa phương”.
Có thể nói chuyển động mới, tích cực trong lĩnh vực XKLĐ ở tỉnh ta bắt đầu từ khi có Quyết định số 30/QĐ-UBND ngày 14.7.2017 của UBND tỉnh về tạo điều kiện cho các hộ vay 100% vốn đi XKLĐ thì số lượng người đăng ký đi XKLĐ tăng cao. Trước đây, việc đi XKLĐ chủ yếu là tự phát ở một vài địa phương và đầu mối đưa người đi XKLĐ từ một vài công ty ở TP Hồ Chí Minh, thông qua người thân hay bạn bè giới thiệu. Từ năm 2016 đến nay, công tác đưa người đi XKLĐ đều qua công ty, trung tâm do Sở LĐ-TB&XH giới thiệu, tạo sự an tâm cho người dân. Vì thế XKLĐ ngày càng phát triển mạnh mà Hoài Ân là ví dụ điển hình.
HẢI YẾN