Chương trình làm đường bê tông giao thông nông thôn: Hiệu quả nhiều mặt
Xác định “giao thông đi trước mở đường phát triển”, thời gian qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh chương trình đúc bê tông đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, đã từng bước hoàn thiện hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân.
Đúc bê tông một tuyến đường trên địa bàn xã Cát Lâm (Phù Cát).
Theo số liệu của Sở GTVT, tổng chiều dài đường giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh là 8.037 km, gồm hệ thống đường huyện, đường liên xã, đường trục thôn, xóm, đường giao thông nội đồng… Những năm qua, với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ”, hàng năm ngân sách tỉnh đã chi hàng trăm tỉ đồng để hỗ trợ xi măng, chính quyền các địa phương đã kết hợp nhiều nguồn vốn, vận động nhân dân đóng góp kinh phí, hiến đất, hoa màu… để từng bước hoàn thiện hệ thống GTNT. Đến nay, toàn tỉnh đã đúc bê tông được 5.626 km/8.037 km, đạt 70% tổng chiều dài đường GTNT. Trong đó, từ 2016 - 2018 đã thực hiện đúc bê tông được 1.473 km; riêng năm 2018 đúc được 401 km.
Ông Phan Thành Giản, Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (XDNTM) thuộc Sở NN&PTNT, đánh giá: Xác định tiêu chí giao thông đóng vai trò hết sức quan trọng trong 19 tiêu chí XDNTM, nhiều năm qua, tỉnh đã ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn ngân sách tỉnh để hỗ trợ xi măng và kinh phí giúp các xã thực hiện. Tại một số địa phương, công tác vận động nhân dân xây dựng GTNT của các cấp chính quyền đạt kết quả hết sức tích cực. Người dân đã tự nguyện hiến đất đai, hoa màu, đóng góp kinh phí để làm đường, góp phần cho thành công của chương trình.
Một tuyến đường GTNT trên địa bàn xã Nhơn Tân (TX An Nhơn).
Chủ trương hỗ trợ xi măng làm đường GTNT đã có từ lâu, nhưng từ khi có chủ trương XDNTM, phong trào xây dựng và đúc bê tông đường GTNT lan tỏa mạnh mẽ, nhất là ở các xã khu vực nông thôn. Ông Nguyễn Đình Chương, Trưởng phòng Quản lý Đô thị TX An Nhơn, cho biết: “Lãnh đạo địa phương xác định muốn phát triển KT-XH thì vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Muốn thành công thì phải động viên nhân dân tích cực hưởng ứng. Trong giai đoạn 2011 - 2018, toàn thị xã đã có thêm 263 km đường giao thông nội thị và nông thôn được thảm bê tông nhựa, đúc bê tông xi măng; 100% số xã đạt tiêu chí giao thông. Năm 2019, An Nhơn có kế hoạch làm tiếp gần 126 km đường GTNT”.
“Tại một số địa phương, công tác vận động nhân dân xây dựng GTNT của các cấp chính quyền đạt kết quả hết sức tích cực. Người dân đã tự nguyện hiến đất đai, hoa màu, đóng góp kinh phí để làm đường, góp phần cho thành công của chương trình”.
Môt ví dụ điển hình là các thôn Thọ Tân Bắc, Thọ Tân Nam, Nam Tượng 1 ở xã Nhơn Tân (địa phương về đích XDNTM năm 2018), TX An Nhơn. Trước đây, người dân các thôn này gặp nhiều khó khăn khi hệ thống GTNT trong xã chưa hoàn thiện. Đặc biệt, vào mùa thu hoạch, việc vận chuyển nông sản từ đồng về nhà thường bất tiện bởi xe tải nhỏ không vào được tận nhà, phải tốn thêm công bốc vác. Khi xã triển khai thực hiện chương trình đúc bê tông GTNT, bà con ủng hộ rất nhiệt tình. Ông Đoàn Hải Nam, Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân, cho biết: Hầu hết các tuyến giao thông liên xã, liên thôn, xóm ở xã chúng tôi đã được đúc bê tông hoàn chỉnh, việc đi lại thuận tiện hơn trước nhiều. Chuyện gì phục vụ lợi ích của nhân dân, lại được thực hiện công khai, minh bạch thì triển khai rất nhanh.
Như một cách xác nhận lời của lãnh đạo xã, ông Nguyễn Đình Chiến, ở thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân, phấn khởi: Trước đây, tuyến đường dài 800 m nối từ nhà tôi đến cánh đồng trong thôn thường xuyên bị bùn lầy mỗi khi có các đợt mưa lớn. Từ khi làm đường bê tông phẳng phiu, đi lại dễ dàng. Đến vụ thu hoạch lúa, xe tải chạy bon bon đến tận ruộng để chở lúa về nhà.
Xác định đầu tư hạ tầng GTNT là “chìa khóa” quan trọng giúp người dân ở vùng nông thôn, miền núi phát triển, theo ông Phan Thành Giản, từ nay đến năm 2020, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các địa phương đúc bê tông đường GTNT. Với mục tiêu cụ thể đến năm 2020 có 100% đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được thảm bê tông nhựa hóa hoặc đúc bê tông xi măng; 70% đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng được đúc bê tông, cứng hóa, Văn phòng Điều phối XDNTM sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tính hiệu quả, lợi ích của chương trình; đồng thời huy động nguồn lực từ nhân dân để làm đường GTNT. Riêng trong năm 2019, kế hoạch vốn thực hiện hỗ trợ chương trình bê tông hóa GTNT trên địa bàn tỉnh trên 116 tỉ đồng, trong đó tập trung thực hiện tại 11 xã đăng ký về đích NTM.
NGUYỄN QUÝ