Tinh gọn lực lượng hoạt động không chuyên trách: Quyết tâm đạt mục tiêu số lượng, tiến độ
Quy định chức danh, số lượng đối với người hoạt động không chuyên trách là bước đi cần thiết trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở.
Cơ sở quan trọng để sắp xếp lại số người hoạt động không chuyên trách (NHĐKCT) là Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 20.7.2018 của UBND tỉnh ban hành Quy định chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với NHĐKCT; mức khoán kinh phí hoạt động đối với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh.
Giảm tối thiểu 2.161 người
Theo tiến độ đề ra, từ ngày 1.1 đến 31.12.2019, mỗi huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện thí điểm sắp xếp lại ít nhất 30% số đơn vị hành chính cấp xã; từ ngày 1.1.2020 sẽ thực hiện đối với các đơn vị còn lại. Mục tiêu sau khi sắp xếp sẽ giảm tối thiểu 2.161 người; trong đó cấp xã giảm 870 người, cấp thôn giảm 1.291 người.
Để thực hiện Quyết định 41, Sở Nội vụ đã ban hành Hướng dẫn về việc bố trí, sắp xếp chức danh và thực hiện chế độ, chính sách đối với NHĐKCT cấp xã, thôn. Theo đó, mỗi xã, phường, thị trấn được bố trí tối đa không quá 11 người; riêng xã có rừng được bố trí tối đa không quá 12 người. Đối với thôn, khu phố được bố trí tối đa không quá 2 người; riêng thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về ANTT, thôn thuộc xã biên giới hải đảo, thôn thuộc xã khó khăn về ngân sách và thôn thuộc xã loại I, II được bố trí tối đa không quá 3 người.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 7 (xã An Vinh, huyện An Lão) Đinh Văn Nít (phía trước, bên phải) và cán bộ thôn làm việc với các đơn vị kết nghĩa.
Thực hiện Quyết định 41, trong quý I/2019, 5/17 xã, thị trấn của huyện Hoài Nhơn đã xây dựng phương án sắp xếp NHĐKCT ở cấp xã, trình UBND huyện phê duyệt. Đồng thời, gắn việc bầu cử trưởng thôn, khối phố nhiệm kỳ 2019 - 2021 với việc bố trí, sắp xếp NHĐKCT, qua bầu cử đã nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đối với 43/155 thôn. “Các thôn, khối phố còn lại sẽ tiếp tục thực hiện bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn, khối phố theo đúng định hướng, hướng dẫn của tỉnh”, Trưởng phòng Nội vụ huyện Nguyễn Văn Hiệp cho biết.
Tại TP Quy Nhơn, dự kiến sau khi sắp xếp ở 21 phường, xã, lượng NHĐKCT cấp xã là 212 người, giảm 80 người. Theo ông Nguyễn Văn Quảnh, Trưởng phòng Nội vụ thành phố, qua xem xét đề án của các địa phương, Phòng thống nhất đề xuất UBND thành phố cho triển khai thực hiện thí điểm ngay tại 10 phường, xã đã đảm bảo thủ tục, hồ sơ.
Cần quyết tâm cao
Bắt đầu từ tháng 11.2018, Bí thư chi bộ thôn 7, xã An Vinh (huyện An Lão) Đinh Văn Nít kiêm nhiệm chức danh trưởng thôn. Thôn này cũng chỉ còn 3 NHĐKCT. “Thời gian đầu vất vả lắm, họp hành suốt thôi. Giờ thì cũng dần quen việc, đỡ hơn”, ông Nít chia sẻ.
Theo Chủ tịch xã An Vinh Đinh Văn Cung, quá trình triển khai sắp xếp không tránh khỏi “lời qua tiếng lại”. “Quan trọng nhất là phải quyết tâm, phát huy tinh thần đoàn kết, chủ trương được tập thể thông qua, nhân dân ủng hộ. Thêm nữa, phải đánh giá thực chất hiệu quả công việc của từng người, không nặng nề bằng cấp. Nhờ đó, dù không thuộc diện thí điểm, xã An Vinh vẫn tiến hành và hoàn thành trước cả các xã được chỉ định thí điểm”, ông Cung bày tỏ.
Song, không phải ở đâu việc sắp xếp cũng suôn sẻ. Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện An Lão Nguyễn Trực cho hay, người có bằng đại học phải nghỉ, trong khi người có bằng trung cấp thì ở lại nên đã phát sinh đơn thư.
“Thực hiện thí điểm là để rút kinh nghiệm, xem cái gì được, chưa được. Việc “giữ ai bỏ ai” phải cân nhắc, thảo luận thấu đáo; quá trình thực hiện sắp xếp phải công khai, minh bạch, làm tốt công tác tư tưởng”.
Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang
Theo kế hoạch của huyện Tây Sơn, chậm nhất đến 31.12.2019, lượng NHĐKCT ở cấp xã, thôn trên địa bàn huyện còn tối đa 402 người, giảm 144 người so với năm 2018. Bà Văn Thị Kim Nhung, Trưởng phòng Nội vụ huyện cho hay, quá trình thực hiện bước đầu còn những khó khăn, vướng mắc nhất định. Việc đánh giá để sắp xếp đội ngũ này còn bất cập, chưa có hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, chưa có quy định về tiêu chuẩn, trình độ đối với NHĐKCT ở xã, thôn cũng là một khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp.
Dù vậy, Tây Sơn vẫn là địa phương vào cuộc với quyết tâm cao. Bà Nhung cho hay, quá trình thực hiện có sự giám sát của các tổ chức, đoàn thể, cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị; đảm bảo tập trung dân chủ, khách quan, công khai theo quy định của pháp luật.
“Việc sắp xếp không chỉ vì mục tiêu giảm số lượng một cách cơ học, mà quan trọng hơn là để bảo đảm chất lượng, năng lực đội ngũ những NHĐKCT. Kiên quyết đưa ra khỏi tổ chức bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí, sắp xếp công tác khác”, bà Nhung khẳng định.
NGUYỄN VĂN TRANG