Chủ động phòng chống dịch bệnh
Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm ngày càng phức tạp, gia tăng ở nhiều địa phương và có nguy cơ bùng phát thành các đợt dịch lớn, đe dọa sức khỏe con người. Trước diễn biến này, chính quyền và ngành chức năng đã chủ động giám sát, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Tại tỉnh Bình Định, trong năm 2018 đã ghi nhận 3.219 trường hợp bệnh sốt xuất huyết (SXH) trong đó có 1 trường hợp tử vong tại Hoài Nhơn. Mặc dù số lượng ca bệnh thấp hơn năm 2017 nhưng do mùa mưa đến muộn nên số lượng ca bệnh ghi nhận tăng mạnh vào cuối năm 2018 và chuyển sang năm 2019. Cụ thể trong 27 ngày đầu năm 2019, toàn tỉnh đã có 694 ca SXH, trong đó nhiều nhất là ở An Nhơn (215), Hoài Nhơn (128).
Người dân xã Vĩnh An (Tây Sơn) mang màn đi tẩm hóa chất để diệt muỗi, phòng, chống SXH, sốt rét. Ảnh: THẢO KHUY
Đối với các dịch bệnh khác, trong năm 2018, toàn tỉnh cũng đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong do bệnh dại, ghi nhận ổ dịch sởi tại Vĩnh Thạnh và một vài trường hợp bệnh rải rác ở địa phương khác, cùng với sự quay lại của bệnh tay chân miệng tuýp vi-rút EV 71 độc lực cao, đã làm cho tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thêm phức tạp.
Trước diễn biến phức tạp trên, các địa phương cũng đã chủ động giám sát tình hình dịch bệnh tại các vùng có nguy cơ cao, hoặc ngay khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh đầu tiên, tổ chức diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi, xử lý ổ dịch và truyền thông tại cộng đồng và trường học về phòng chống SXH, tay chân miệng...
Tuy nhiên, với thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay và ý thức người dân về phòng chống dịch bệnh chưa cao, sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan, nhất là các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người và các dịch bệnh mới nổi, xâm nhập như: SXH, tay chân miệng, sởi, cúm, thủy đậu, quai bị, dại… gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Chủ động giám sát, tích cực phòng chống
Vì vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, cần có sự phối hợp giữa ngành Y tế và các ban, ngành, hội, đoàn thể liên quan, đặc biệt là sự phối hợp của cộng đồng. Cần tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại các cơ sở điều trị và cộng đồng, thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, nhận định tình hình, khoanh vùng dịch và khống chế dịch bệnh kịp thời. Củng cố, kiện toàn đội cơ động phòng chống dịch các cấp, sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, cung ứng đủ vắc-xin phòng bệnh, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn tiêm chủng…
Đồng thời, người dân cần phối hợp với cán bộ y tế khi có dịch xảy ra trên địa bàn như chủ động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng tại hộ gia đình và mở cửa khi cán bộ phun hóa chất diệt muỗi phòng dịch SXH. Những gia đình có trẻ nhỏ cần đưa trẻ đi tiêm phòng các loại vắc-xin để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch.
Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm không chỉ là công việc của riêng ngành Y tế, mà cần có sự phối hợp của ban, ngành, đoàn thể và sự chung tay của cộng đồng để góp phần đảm bảo sức khỏe cho mỗi người.
NGUYỄN THỊ HOÀI THƯƠNG