Ngăn chặn thực phẩm chức năng bẩn: Phải tăng cường hậu kiểm
Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ra quyết định thu hồi lô hàng trà thảo mộc Vy&Tea - loại thực phẩm chức năng (TPCN) được quảng cáo có công dụng giảm cân, thải độc - do Công ty TNHH dịch vụ thương mại Hà Vy (thôn Sơn Hiệp, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) sản xuất. Trước đó, Cục An toàn thực phẩm nhận được tin từ Đại sứ quán Hàn Quốc thông báo về việc lô trà thảo mộc Vy&Tea của Công ty Hà Vy đưa vào thị trường Hàn Quốc bị cơ chức năng phát hiện có chất sibutramine và phenolphthaleine. Đây là hai chất cấm sử dụng do ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Cụ thể, chất sibutramine tạo cảm giác no và không thèm ăn nhưng tăng nguy cơ co giật, đau tim, loạn nhịp tim và đột quỵ. Riêng chất phenolphtalein có nguy cơ gây ung thư và cũng có thể gây suy tim hoặc đột quỵ với bệnh nhân có tiền sử bệnh động mạch vành. Việc thu hồi là đúng nhưng điều mà dư luận quan tâm, bức xúc là tại sao sản phẩm này xuất hiện trên thị trường đã 4 năm mà cơ quan chức năng ở Việt Nam không phát hiện yếu tố nguy hại, phải đến khi phía Hàn Quốc vào cuộc, mọi chuyện mới vỡ lở?
Trong vô vàn sẩn phẩm TPCN bán tràn lan trên thị trường, nhất là thông qua mạng xã hội có không ít các sản phẩm không an toàn, không rõ ràng về thành phần, chất lượng…. Người tiêu dùng thiếu kinh nghiệm rất dễ “dính bẫy”.
Cần nói thêm, hiện có khá nhiều sản phẩm có thương hiệu, địa chỉ, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hẳn hoi nhưng chất lượng thì… hên xui. Do Nhà nước đã cho phép DN đăng ký và tự công bố thành phần, hàm lượng, tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm và đưa ra thị trường sản phẩm đúng với các thông số đã đăng ký nên rất cần các hình thức hậu kiểm của cơ quan chức năng.
Câu chuyện sản phẩm trà thảo mộc Vy&Tea bị phía Hàn Quốc ngăn chặn kịp thời là một bài học khiến không chỉ các DN phải coi đây là một bài học, mà cả các cơ quan chức năng liên quan cũng phải nghiêm khắc tự đánh giá cung cách làm việc, thực thi nhiệm vụ của mình.
NGUYỄN HOÀNG DUY