Nghiện chất kích thích dẫn đến loạn thần và phạm tội: Ðáng báo động!
Tại Khoa điều trị 1, Bệnh viện Tâm thần Bình Định, bệnh nhân P.V.H. (37 tuổi, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) đang trải qua quá trình điều trị để cắt cơn loạn thần. Cách đây 2 tuần, H. nhập viện trong tình trạng mất ngủ triền miên, bên tai luôn văng vẳng tiếng người nói và bứt rứt khó chịu. H. cho biết mình sử dụng ma túy đá đã gần 4 năm và gần đây luôn rơi vào tình trạng mệt mỏi, ảo giác, cứ nghĩ có người đuổi đánh và rủ đi, bảo làm cái này, cái kia. “Vợ tôi lại sắp sinh con nên quyết định để tôi vào đây điều trị”, H. nói.
Nhân viên y tế hỏi thăm tình hình bệnh nhân đang điều trị loạn thần tại Bệnh viện Tâm thần Bình Định.
Đang trò chuyện với H. thì một bệnh nhân khác (tên H.Q.N.) chạy đến lay tôi và nói: “Hỏi tui nè, tui nói hay hơn nó”, rồi nhếch mép cười và đi ra sân của bệnh viện. Hồ sơ bệnh án của H. thể hiện, bệnh nhân này sau khi sử dụng ma túy đá với liều cao thì thường có biểu hiện ngủ ít, nói nhiều, nghi ngờ có người theo dõi, thậm chí dùng hung khí đánh đuổi mình. Lúc cao điểm, N. còn gây gổ, đòi đánh đập người thân. “Anh vào đây lâu chưa?”. “Vài hôm rồi”, N. đáp. “Bây giờ anh thấy thế nào?” - “Thi thoảng vẫn nghe tiếng ai đó kêu và nói chuyện”. Nói xong, N. nhắm nghiền mắt rồi khua tay trong vô thức. Bác sĩ cho N. về phòng để điều trị và nghỉ ngơi. Đây không phải lần đầu N. được gia đình đưa đến Bệnh viện Tâm thần vì chứng loạn thần.
Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần Bình Định, bệnh nhân nhập viện để điều trị rối loạn thần kinh do sử dụng chất kích thích với biểu hiện trầm cảm, loạn thần, lo âu, mất ngủ kéo dài ngày một tăng. Nếu như năm 2017 chỉ có 39 ca nhập viện thì năm 2018 có 103 ca, đa phần là nam giới, tuổi từ 15 - 42. Riêng từ đầu năm đến nay, Bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 20 bệnh nhân.
Bác sĩ Châu Văn Tuấn, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Tâm thần tỉnh, cho biết: “Các bệnh nhân nhập viện đều trong tình trạng mất kiểm soát hành vi, rối loạn tâm thần, thích gây gổ với người xung quanh. Với các triệu chứng loạn thần cơ bản, chúng tôi có thuốc điều trị cắt cơn và phương pháp phục hồi chức năng nhanh, nhưng loạn thần do ma túy thường hay tái phát, do bệnh nhân dễ tái nghiện. Vì vậy, sau khi điều trị cai nghiện ma túy, gia đình cần quan tâm, bản thân người bệnh cũng phải thật sự quyết tâm thì mới không tái nghiện”.
Được biết, các chất ma túy tác dụng nhanh tới hệ thần kinh, trong đó ketamine và heroin có tác dụng mạnh nhất, khiến người sử dụng nhanh chóng bị lệ thuộc, mất kiểm soát hành vi. Nguy hại hơn, nếu sử dụng với liều lượng cao, trong thời gian dài, các chất này sẽ khiến hệ thần kinh của người dùng bị tê liệt. Đây cũng chính là lý do mà thời gian gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ án đau lòng do người sử dụng ma túy trong cơn say thuốc gây ra tại một số tỉnh, thành trong nước.
Tại Bình Định, mới đây TAND tỉnh đã đưa ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Võ Trọng Quý (SN 1983, TP Quy Nhơn) 12 năm tù giam về tội giết người mà nguyên nhân xuất phát từ việc Quý bị ảo giác do sử dụng ma túy rồi đánh chết người đang nằm liệt giường.
Hiện toàn tỉnh có trên 360 người nghiện ma túy được quản lý, song con số thực tế còn cao hơn. Xác định đây là loại tội phạm không chỉ gây bất ổn về an ninh mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác cho gia đình và xã hội nên ngành chức năng luôn tập trung các biện pháp quản lý, ngăn ngừa.
Một lãnh đạo của đội Cảnh sát phòng chống ma túy, CA TP Quy Nhơn, cho biết: “Ngoài các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi còn tiếp cận gia đình đối tượng để thông báo tình hình, hành vi phạm tội của con em họ; tiến hành gặp gỡ cá biệt và theo dõi, giám sát các mối quan hệ, thói quen sinh hoạt, những nơi đối tượng thường lui tới để rà soát, nắm tình hình, từ đó lên phương án truy bắt đối tượng nếu có hành vi phạm pháp”.
KIỀU ANH