Xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới:
Không dễ thực hiện
Đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 150 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, chiếm 94,3% số xã toàn tỉnh. Nhưng, với tiêu chí mới được xây dựng cho giai đoạn 2011-2020, các xã đã được công nhận đạt chuẩn vẫn phải tiếp tục phấn đấu để đạt tiêu chí cao hơn.
10 tiêu chí quốc gia đối với các xã đạt chuẩn y tế là: chỉ đạo và điều hành công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; nhân lực cho y tế; đầu tư cơ sở hạ tầng; trang thiết bị, thuốc và các phương tiện khác; kế hoạch tài chính; y tế dự phòng, vệ sinh môi trường, các chương trình mục tiêu y tế quốc gia; khám, chữa bệnh, khôi phục chức năng y dược học cổ truyền; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; trạm y tế (TYT) với công tác dân số kế hoạch hóa gia đình; truyền thông giáo dục sức khỏe.
Nhiều tiêu chí khó đạt
Năm 2013, phường Trần Hưng Đạo là 1 trong 8 đơn vị ở Quy Nhơn đăng ký thực hiện đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đến nay, TYT của phường vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong những nội dung của bộ tiêu chí là cơ cấu nhân lực có đủ 5 nhóm chức danh chuyên môn: bác sĩ, y sĩ (đa khoa, y học cổ truyền, sản nhi), hộ sinh trung học, điều dưỡng trung học, dược sĩ trung học. Nhưng, TYT phường Trần Hưng Đạo hiện chưa có điều dưỡng trung học, trong khi có tới 2 y sĩ, 2 nữ hộ sinh.
Với chỉ tiêu theo dõi và quản lý sức khỏe cho 100% số người từ 80 tuổi trở lên, yêu cầu đặt ra là theo dõi thường xuyên, quản lý và chăm sóc sức khỏe, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi tối thiểu 1 lần/năm; nắm được một số bệnh phổ biến của từng người. “Trên địa bàn hiện có hơn 800 cụ trên 80 tuổi, nhưng với nguồn kinh phí eo hẹp, nỗ lực lắm chúng tôi cũng chỉ khám sức khỏe định kỳ cho 100-150 cụ/năm”, bác sĩ Trần Văn Thái, Trưởng TYT phường Trần Hưng Đạo, bày tỏ.
“Việc đầu tư cơ sở vật chất, con người cho TYT cần tránh dàn trải, tốn kém. Quan trọng là đảm bảo điều kiện cần thiết cho TYT hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chính của mình. Tôi thấy ở thành phố, chẳng mấy ai đến TYT khám bệnh”.
Anh N.V.H, người dân phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn
Với chỉ tiêu TYT xã đảm bảo có từ 70% loại trang thiết bị và đủ số lượng còn sử dụng được theo danh mục trang thiết bị của TYT xã, nhiều ý kiến cho rằng chưa phù hợp khi áp dụng rộng rãi cho tất cả các trạm. “Một số trang thiết bị rất cần ở TYT xã, nhưng với các phường nội thành gần nhiều bệnh viện, phòng khám thì có rất ít cơ hội được sử dụng”, bác sĩ Phạm Thị Chức, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn, phân tích.
Trong khi đó, cơ sở vật chất xuống cấp là trở ngại lớn cho các TYT ở huyện Hoài Nhơn. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hoài Nhơn Trần Hữu Vinh cho biết: “Trừ TYT Hoài Hải và Hoài Phú, các trạm còn lại đều được xây dựng gần 30 năm, đã xuống cấp nặng và không đảm bảo diện tích theo yêu cầu”. Nhiều địa phương cũng đối mặt với khủng hoảng nhân lực, đặc biệt là bác sĩ.
Nỗ lực gỡ khó
“Kết quả khảo sát đến tháng 3.2012, chỉ có 1 xã đủ điều kiện đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, đã có 17 xã thuộc 6 huyện được công nhận đạt tiêu chí. Một xã thực hiện thành công hoàn toàn khác những xã chưa đạt ở nhiều mặt, như công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, truyền thông giáo dục, nước sạch vệ sinh môi trường… Việc thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã càng có ý nghĩa khi lồng ghép trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.
Bác sĩ LÊ QUANG HÙNG, Phó Giám đốc Sở Y tế
Theo đánh giá của nhiều cán bộ y tế, các chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 có yêu cầu cao hơn về số lượng và chất lượng so với Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001-2010. Vì thế, công tác triển khai thực hiện thời gian đầu gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng thiếu nhân lực, trong năm 2013, ngành Y tế sẽ tổ chức tuyển viên chức. Chế độ ưu đãi cho cán bộ, nhân viên các TYT cũng sẽ được quan tâm hơn. “Sở cũng không có chủ trương bắt buộc mua 100% các loại trang thiết bị theo quy định để tránh lãng phí. Các trạm mua sắm dựa trên nhu cầu, khả năng”, Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng khẳng định.
Theo bác sĩ Hùng, khó khăn nhất hiện nay là yêu cầu về cơ sở vật chất. Các huyện miền núi có nhiều thuận lợi do được đầu tư từ Chương trình 30a. Còn các huyện đồng bằng thì chưa có dự án đầu tư riêng cho TYT, việc xây mới và mở rộng TYT khó thực hiện. “Hiện nay, Bộ Y tế vẫn đang theo đuổi các dự án nâng cấp y tế cơ sở, trong đó có TYT. Một số địa phương cũng đưa ra chỉ tiêu xây mới, mở rộng nhiều TYT”, ông Hùng thông tin thêm.
Các địa phương cũng đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho y tế cơ sở. Theo bác sĩ Trần Hữu Vinh, Trung tâm Y tế Hoài Nhơn sẽ quan tâm hơn đến việc phân công, điều động bác sĩ ở huyện xuống hỗ trợ cho các TYT chưa có bác sĩ. Đồng thời, trong tình hình kinh phí khó khăn, vẫn cố gắng duy tu, sửa chữa một số TYT xuống cấp nặng.
NGUYỄN VĂN TRANG