Thị trường online: Lợi nhuận lớn, hàng giả xâm nhập
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử ngày một mạnh mẽ, là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng sức cạnh tranh. Tuy nhiên cùng với đó, nhiều đối tượng cũng đã lợi dụng các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, lừa đảo người tiêu dùng.
Từ hàng hiệu đến hàng chợ
Nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cho biết, Việt Nam hiện là thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 40% và dự kiến sẽ là thị trường lớn thứ hai khu vực vào năm 2025.
Giao dịch trên các sàn thương mại điện tử ẩn chứa nhiều rủi ro.
Theo số liệu thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Statista, tổng doanh thu của các công ty TMĐT tại Việt Nam đạt 2,26 tỷ USD năm 2018, tăng gần 30% so với năm 2017. Tính đến cuối năm 2018, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam khoảng 6 tỷ USD. Dự báo trong 4 năm từ 2016-2020, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt tới 10 tỷ USD. Hiện, Việt Nam đã vươn lên top 6 trong 10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới, chỉ xếp sau những “ông lớn” như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nhật Bản và Đức, dự báo năm 2019, mức tăng trưởng sẽ đạt khoảng 35%.
Với thị trường có quy mô lớn như vậy, thương mại điện tử đang thực sự trở thành mảnh đất màu mỡ, giàu lợi nhuận cho mọi đối tượng kinh doanh tại Việt Nam. Song, bên cạnh những lợi ích lớn do TMĐT mang lại, ngày càng xuất hiện nhiều hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng… với các hình thức ngày càng tinh vi, phức tạp. Theo đó, các đối tượng lợi dụng không gian mạng để trốn tránh các cơ quan chức năng, lừa đảo người tiêu dùng.
Vào các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo,... khách hàng có thể chọn mua tất cả các loại hàng hóa mà mình đang tìm kiếm với giá… vô cùng, từ sản phẩm có giá vài chục triệu đồng cho đến vài chục ngàn đồng đều có. Đơn cử, nếu khách hàng muốn mua một đôi giày thể thao hàng hiệu “Adidas”, vào bất cứ sàn thương mại nào cũng sẽ tìm được sản phẩm được gắn mác này với các loại giá, tiền triệu cũng có, vài trăm ngàn cũng có. Hay như một chiếc thắt lưng da được giới thiệu là “da thật” nhưng giá chỉ có… 80.000 đồng. Trong khi đó, nếu là sản phẩm da “xịn”, một chiếc thắt lưng của một hãng nổi tiếng giá có thể lên đến vài chục triệu đồng. Có thể thấy, bất cứ loại hàng hóa nào, từ thượng vàng đến hạ cám đều có thể được bày bán trên các trang thương mại điện tử, và đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng tuồn hàng giả, hàng nhái kém chất lượng lừa đảo người tiêu dùng.
Tăng cường kiểm soát TMĐT
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng phương thức thương mại điện tử để thực hiện các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, cung cấp thông tin sai lệch để lừa dối người tiêu dùng, lợi dụng phương thức này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân khác.
Đáng chú ý rất nhiều website, mạng xã hội nước ngoài về mua sắm, bán lẻ, du lịch, khách sạn, quảng cáo trực tuyến... đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam chưa được kiểm soát gây thất thu thuế, tạo cơ hội cho dòng tiền chảy ra nước ngoài. Các mặt hàng được bày bán chủ yếu trên mạng bao gồm: Thuốc lá, xì gà, rượu ngoại, thuốc tân dược, thuốc đông dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ tiện tử, thời trang, hàng tiêu dùng có giá trị…Không ít trường hợp các đối tượng mở các website bán hàng kiểu chộp giật, “treo đầu dê bán thịt chó” khiến nhiều người tiêu dùng phải “ngậm đắng”.
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp trên thị trường mạng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, sẽ tập trung đẩy mạnh kiểm soát, xử lý hoạt động của DN trên sàn TMĐT. Theo đó, Tổng cục QLTT cho biết, sẽ xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách đặc biệt là các chế tài xử lý đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Đồng thời, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn của các cán bộ QLTT, trong đó, đẩy mạnh đào tạo và phát triển năng lực cán bộ QLTT trong lĩnh vực TMĐT, thường xuyên bắt kịp các ứng dụng công nghệ thông tin mới phát sinh, có khả năng thu thập thông tin, xác định vi phạm trong các trang, ứng dụng TMĐT. Cơ quan QLTT cũng cho biết, sẽ đổi mới, xây dựng cơ sở sản xuất dữ liệu, hệ thống chứng từ điện tử để giúp giám sát, kiểm tra thị trường hiệu quả hơn. Theo ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ có những kế hoạch cao điểm để bước đầu xử lý những vấn đề gian lận thương mại trên môi trường internet.
Theo Minh Phương (daidoanket.vn)