Đẩy mạnh nghiên cứu trong trường phổ thông
Sáng 17.3, tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM), Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo “Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường trung học khu vực phía Nam”.
Khắc phục hạn chế của các công trình nghiên cứu
TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, cho biết, qua 7 năm tổ chức, cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học đã thu hút số lượng lớn học sinh và đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học (NCKH) tham gia. Nếu như năm đầu tổ chức chỉ có 140 dự án ở 10 lĩnh vực tham gia thì năm nay số dự án đã tăng thêm 3,4 lần, với 481 dự án tham gia ở 22 lĩnh vực. TS Vũ Đình Chuẩn phân tích, nếu chỉ dạy kiến thức suông trên lớp theo phương pháp truyền thống, khi làm bài kiểm tra học sinh có thể đạt 10 điểm nhưng khi ra thực tế sẽ không áp dụng được.
Học sinh tham quan các gian hàng triển lãm khoa học - công nghệ. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thực tế, năng lực và phương pháp tổ chức, hướng dẫn học sinh NCKH của cán bộ quản lý, giáo viên hiện nay còn nhiều hạn chế, trong đó khả năng tìm tòi, nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh vẫn là điểm yếu đối với cả người dạy lẫn người học.
Theo kiến nghị của Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng, trường trung học hiện nay không có kinh phí dành cho hoạt động NCKH. Do đó, hầu hết các hoạt động phải dựa vào nguồn tài trợ, xã hội hóa từ cha mẹ học sinh. Qua nhiều năm tổ chức, các địa phương nhận thấy nhiều dự án của học sinh chưa thoát ly được dữ liệu nguồn, chưa làm chủ kiến thức, các đề tài nghiên cứu còn tập trung quá nhiều vào một số lĩnh vực như kỹ thuật cơ khí, robot thông minh…
Thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông, Vụ Giáo dục trung học đề xuất Bộ GD-ĐT ban hành thêm nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh tham gia nghiên cứu, trong đó tiếp tục xây dựng cơ chế ưu tiên cho học sinh nghiên cứu. Bộ cũng khuyến khích các địa phương tăng cường công tác phối hợp giữa 2 ngành GD-ĐT và khoa học - công nghệ, một số tổ chức, hiệp hội nghiên cứu khoa học kỹ thuật cũng như các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp để tạo “đầu ra” cho các công trình nghiên cứu.
Đón đầu chương trình giáo dục phổ thông mới
Theo PGS-TS Lê Huy Hoàng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thành viên Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới, đẩy mạnh hoạt động NCKH trong trường phổ thông là một trong những bước chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Để làm được điều đó, giáo viên phải là “hiện thân” của người làm nghiên cứu, nắm vững quy trình nghiên cứu, có ý thức thiết kế bài học theo định hướng nghiên cứu, chú trọng tính ứng dụng thực tiễn và hình thành các kỹ năng nghiên cứu cho học sinh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy giáo viên phần lớn chỉ được tập huấn, thụ động nghe thuyết giảng chứ chưa trực tiếp trải nghiệm nghiên cứu.
Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới đề xuất, thời gian tới Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu tổ chức cuộc thi NCKH dành cho giáo viên bởi chỉ khi thầy cô tham gia nghiên cứu thì mới có đủ nhận thức, kinh nghiệm để truyền tải lại học sinh; đẩy mạnh phong trào nghiên cứu theo hướng thực tế, sinh động, không chỉ chăm chăm hướng đến sản phẩm sau cùng mà cần đầu tư vào cả quá trình nghiên cứu.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP, cho biết, xuất phát điểm từ việc triển khai phương pháp dạy học tích hợp liên môn, TPHCM đã thí điểm tổ chức các chương trình trải nghiệm tại khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, Thảo Cầm viên. Lâm Đồng lại phát triển mô hình nhà trường bắt tay doanh nghiệp sản xuất các loại cà phê, rau, cây ăn trái… vừa giúp liên hệ kiến thức đã học trên lớp vào thực tế, vừa tăng cường hiệu quả công tác hướng nghiệp cho học sinh. Đó là một trong những bước chuẩn bị giúp các địa phương “đón đầu” chương trình giáo dục phổ thông mới, thực hiện thành công chủ trương đổi mới toàn diện, cơ bản giáo dục và đào tạo.
Theo MINH QUÂN (SGGP)