Công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn huyện Hoài Nhơn: Còn nhiều hạn chế, bất cập
Sáng 18.3, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy tại Hoài Nhơn, Ðoàn ÐBQH tỉnh đã đánh giá: Công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn huyện còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; số vụ cháy nổ xảy ra còn cao.
Theo báo cáo của CA huyện Hoài Nhơn, trong giai đoạn 2014 - 2018, toàn huyện đã xảy ra 43 vụ cháy, làm 2 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính gần 21 tỉ đồng và 18,15 ha rừng. Trong đó, tại Khu neo đậu, tránh trú bão tàu cá Tam Quan thuộc xã Tam Quan Bắc xảy ra 10 vụ/12 tàu cá, gây thiệt hại về tài sản 10,6 tỉ đồng.
Khu neo đậu tàu cảng cá Tam Quan trở nên chật chội, quá tải, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ tàu cá rất cao.
“Điểm nóng” khu neo đậu tàu cá
“Tôi thấy rằng, số vụ cháy nổ tàu cá xảy ra trong Khu neo đậu, tránh trú bão tàu cá Tam Quan chiếm tỉ lệ khá cao. Điều này chứng tỏ công tác PCCC ở đây đang tồn tại nhiều vấn đề?”, bà Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh (Trưởng Đoàn giám sát) nêu ý kiến sau khi đại diện huyện Hoài Nhơn báo cáo tình hình.
Thượng tá Huỳnh Tấn Hướng, Phó Trưởng CA huyện Hoài Nhơn, lý giải đa số các vụ cháy tàu cá xuất phát từ sự chủ quan, lơ là của chủ tàu, ngư dân. “Tàu cá sau khi về neo đậu tại bến, chủ tàu không cử người trông coi, không tắt thiết bị điện khi ra về. Trong khi đó, khu neo đậu bị quá tải do luồng lạch bị bồi lấp, số lượng tàu cá lại nhiều, hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện PCCC tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, tình hình cháy nổ tàu cá ở đây diễn biến khá phức tạp”, thượng tá Hướng nêu.
Cùng chung nhận định, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT (thành viên Đoàn giám sát), cho rằng ngoài yếu tố hạ tầng, công tác quản lý về PCCC; cách bố trí, sắp xếp tàu thuyền trong Khu neo đậu, tránh trú bão tàu cá Tam Quan có vấn đề. Bởi, tàu cá gặp sự cố cháy nổ phần lớn xảy ra khi tàu đang neo đậu tại bến.
Ngoài bất cập PCCC tại Khu neo đậu, tránh trú bão tàu cá Tam Quan, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của các chủ cơ sở, DN may mặc, chế biến lâm sản, thủ công mỹ nghệ, kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, nhà nghỉ, nhà ở, kết hợp sản xuất, kinh doanh…, ở một số nơi trên địa bàn huyện Hoài Nhơn còn bộc lộ nhiều điểm bất cập, nhất là số vụ cháy nhà ở, gia trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất còn diễn ra.
Ông Cao Thanh Thương, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, nhìn nhận: “Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực PCCC tuy được chính quyền, các đơn vị quan tâm, song số vụ cháy nổ trên địa bàn huyện còn xảy ra. Nguyên nhân do công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sự quan tâm đến công tác PCCC ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh… còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân tham gia PCCC chưa được thường xuyên; việc trang bị phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ chưa được quan tâm đúng mức; việc xây dựng nội dung và thực tập phương án PCCC theo quy định chưa được chú trọng; chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCCC chưa được các địa phương, cơ quan, ban, ngành thực hiện đúng quy định…”.
Cần sớm có biện pháp khắc phục
Ông Trần Văn Phúc đề nghị: “Trong thời gian chờ nguồn kinh phí để nâng cấp, mở rộng hạ tầng khu neo đậu cảng cá Tam Quan, chủ tàu phải cắt cử người trông coi khi tàu về neo đậu; nâng cao ý thức bảo vệ tài sản, PCCC tại chỗ”. Còn ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh (thành viên Đoàn giám sát), đề xuất: “UBND huyện cùng đơn vị chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức cho ngư dân, chủ tàu ký cam kết nâng cao ý thức trách nhiệm về quản lý tàu thuyền trong lĩnh vực PCCC. Đồng thời, CA huyện cần tham mưu cho UBND huyện đề xuất cho Giám đốc CA tỉnh và cơ quan liên quan sắp xếp, bố trí trở lại phân đội PCCC chuyên nghiệp thực hiện các hoạt động PCCC trên Khu neo đậu, tránh trú bão tàu cá Tam Quan”.
Tại buổi giám sát, bà Lý Tiết Hạnh cũng yêu cầu: “Chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC, đặc biệt phải kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác PCCC. Bên cạnh đó, địa phương, Ban quản lý Cảng cá Tam Quan cần xây dựng kế hoạch PCCC tại chỗ, chú trọng cơ chế hướng dẫn, gắn trách nhiệm cho chủ tàu về công tác PCCC; đồng thời có phương án tổ chức phân luồng, sắp xếp tàu cá cho hợp lý trong bối cảnh khu neo đậu đang bị quá tải”.
TRỌNG LỢI