Phá hoại, cản trở EVFTA là đi ngược lại lợi ích dân tộc và xu thế thời đại
Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA) đã cơ bản hoàn thành những bước đi quan trọng và đang trong quá trình hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để thông qua. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị tìm mọi cách phá hoại hiệp định, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, nhân dân, đường lối hội nhập của Việt Nam.
Sau hơn 6 năm kể từ khi chính thức khởi động đàm phán (6-2012), đến nay EVFTA chuẩn bị hoàn tất những thủ tục cuối cùng. Trải qua 14 phiên đàm phán, ngày 4-8-2015, Việt Nam và Liên minh châu Âu kết thúc cơ bản đàm phán EVFTA.
Tháng 6-2018, hai bên công bố chính thức hoàn tất việc rà soát pháp lý đối với Hiệp định thương mại. Ngày 17.10.2018, Ủy ban châu Âu đã thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu để EVFTA chính thức có hiệu lực và thực hiện trong thực tiễn. Lộ trình và thông tin được Ủy ban châu Âu chính thức công bố và khẳng định thúc đẩy đưa hiệp định này đi vào thực thi trong thời gian sớm nhất.
EVFTA là một trong những hiệp định thương mại thế hệ mới của Việt Nam. Với những cam kết, EVFTA bảo đảm cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. EVFTA được đánh giá sẽ mang lại tác động rất tích cực cho các bên, nhất là trong lĩnh vực thương mại, giá trị kinh tế cho cộng đồng doanh nghiệp, lợi ích người lao động, người tiêu dùng. Theo đó, những cam kết đáng chú ý là: Việt Nam sẽ xóa bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu EU sang Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ dần trong thời gian tối đa là 10 năm. Các công ty của EU cũng sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ các cam kết khác của Việt Nam như các cắt giảm một số hàng rào phi thuế quan trong ngành ôtô, cam kết về bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động cho 169 sản phẩm thực phẩm và đồ uống của EU, mở cửa thị trường mua sắm công. EU cam kết xóa bỏ 71% thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Việt Nam. Các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm dần theo lộ trình tối đa là 7 năm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động cho 39 sản phẩm của Việt Nam…
Lợi ích mà EVFTA đem lại là rất rõ ràng để thúc đẩy tăng trưởng mỗi bên, mở rộng thị trường hàng hóa, dịch vụ với ưu đãi về thuế đối với người tiêu dùng, cơ hội đầu tư, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, hứa hẹn mở ra nhiều việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động đối với cả Việt Nam và EU.
Thế nhưng, trong khi các bên đang rất nỗ lực, trách nhiệm cao để EVFTA được hoàn tất, đem lại lợi ích thiết thực thì các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động lại gia tăng các hình thức chống phá, ngăn cản. Họ đệ trình, gửi các báo cáo, kiến nghị, yêu cầu đòi trì hoãn, hủy bỏ thông qua Hiệp định mà hai bên đã dày công xây dựng trong xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển hiện nay. Chúng cho rằng đây là “cơ hội hành động” của các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền, xã hội dân sự. Các phần tử phản động, cơ hội chính trị đẩy mạnh các hoạt động cản trở, phá hoại bằng mọi hình thức, vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền, tăng cường các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ để xuyên tạc, bóp méo tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam.
Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) kêu gọi Hội đồng châu Âu hoãn phê duyệt EVFTA “cho đến khi chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cụ thể để cải thiện hồ sơ nhân quyền”. Tổ chức này cho rằng, do áp lực từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, một số đảng trong Nghị viện châu Âu hiện đang cố gắng để thỏa thuận thương mại EVFTA được thông qua “ngay cả khi Việt Nam liên tiếp bỏ qua các kêu gọi giải quyết hồ sơ nhân quyền”. Thậm chí, ông John Sifton, Giám đốc vận động chính sách châu Á được viện dẫn trong thông cáo báo chí của HRW bằng câu răn đe: “Vội vã thông qua thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam sẽ là một sai lầm nghiêm trọng”! Trước đó, tháng 9-2018, xuất hiện bức thư ngỏ có nhiều dấu hiệu giả mạo cơ quan Nghị viện châu Âu, nội dung “quan ngại về việc Việt Nam liên tục đàn áp về nhân quyền và kêu gọi cải thiện tình hình trước bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào về thỏa thuận EVFTA”.
Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm, thúc đẩy quyền con người phù hợp với hiến pháp và pháp luật Việt Nam, cũng như các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Phù hợp với Công ước quốc tế, Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp quốc, Việt Nam đã nội địa hóa, thống nhất hóa trong hệ thống pháp luật hiện hành. Pháp luật Việt Nam nhấn mạnh quyền con người, trong đó có những văn bản hết sức quan trọng như Hiến pháp 2013, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự... Điển hình như Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14). Các quyền cơ bản như: Quyền bầu cử và quyền ứng cử, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, quyền và cơ hội bình đẳng giới… đều được nhất quán trong hệ thống quy phạm pháp luật, điều chỉnh, thực hiện trong thực tiễn cuộc sống.
Thực tiễn cuộc sống, Việt Nam đã nỗ lực và đạt được rất nhiều thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Những thành tựu này là bằng chứng hùng hồn, sinh động, những con số biết nói để khẳng định Việt Nam rất tiến bộ, bảo đảm nhân quyền trong mục tiêu chung xây dựng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân, sự nghiệp đổi mới của nhân dân Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trên nhiều lĩnh vực, an sinh xã hội được bảo đảm và tăng cường. Đến năm 2015, Việt Nam đã hoàn tất các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trước thời hạn. Tại đối thoại Báo cáo Quốc gia về nhân quyền theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 3 của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc ngày 22.1.2019, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, trong đó có quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…
Rõ ràng, những xuyên tạc, vu cáo về tình hình nhân quyền, lấy đó làm lý do để ngăn cản, phá hoại EVFTA là đi ngược lại với lợi ích dân tộc, chống lại nhân dân, phá hoại đường lối hội nhập kinh tế, công cuộc đổi mới cách mạng Việt Nam. Đồng thời cơ quan chức năng của EU, tổ chức quốc tế cần có nhìn nhận toàn diện, đánh giá khách quan về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam hiện nay.
Theo CAND