Thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp: Cần được hỗ trợ nhiều hơn
Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trên địa bàn tỉnh có 60 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.842 ha. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động thu hút đầu tư khá trầm lắng; các nhà đầu tư thứ cấp lẫn DN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn, khiến tỉ lệ lấp đầy tại các cụm công nghiệp đạt thấp.
Theo Sở Công Thương, đến nay, toàn tỉnh có 42/60 cụm công nghiệp (CCN) đã đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút các DN, cơ sở sản xuất vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê là 813 ha. Tuy nhiên, diện tích đất cho thuê tại các CCN mới chỉ đạt 463 ha, chiếm tỉ lệ 56,9%.
“Điệp khúc” thiếu vốn
Theo đánh giá, việc thu hút đầu tư vào các CCN đang gặp nhiều khó khăn do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chưa hoàn tất, trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật tại một số CCN chưa được đầu tư bài bản.
Do khó khăn kinh phí nên hệ thống cơ sở hạ tầng tại CCN Gò Bùi (An Lão) chưa được đầu tư hoàn thiện.
- Trong ảnh: Một góc CCN Gò Bùi.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Hoài Ân, cho biết: Nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thời gian qua, huyện đã quy hoạch 3 CCN gồm Dốc Truông Sỏi, Du Tự, Gò Bằng, với tổng diện tích hơn 35 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê 22 ha. Tuy nhiên, đến nay, đất công nghiệp cho thuê tại 3 CCN trên mới chỉ được 6 ha (chiếm 26%). Trong đó, CCN Dốc Truông Sỏi thu hút được 3 DN vào đầu tư các lĩnh vực may mặc, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng. CCN Du Tự thu hút được 2 nhà đầu tư thuê đất nhưng mới chỉ có 1 DN đi vào hoạt động. Còn CCN Gò Bằng đang vướng công tác giải phóng mặt bằng nên chưa thể cho DN thuê đất.
“Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, huyện có cơ chế cho phép nhà đầu tư tự bỏ kinh phí để giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, xây dựng nhà xưởng để sản xuất, sau đó huyện sẽ trừ dần vào tiền thuê đất hàng năm. Tuy nhiên, do số vốn bỏ ra ban đầu khá lớn nên chính sách này không đem lại nhiều hiệu quả”, ông Thiện lý giải.
Còn tại CCN Tà Súc (huyện Vĩnh Thạnh) có diện tích 36 ha, chia làm 2 giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong đó giai đoạn 1 (16 ha) được chủ đầu tư là Công ty CP Xây lắp điện Tuy Phước thực hiện đã cơ bản hoàn thành, thu hút 3 DN vào hoạt động. Giai đoạn 2 được tiếp tục thực hiện với diện tích 20 ha do UBND huyện Vĩnh Thạnh làm chủ đầu tư; tuy nhiên vì thiếu kinh phí nên hiện mới chỉ làm được 800 m đường giao thông với tổng vốn đầu tư 2 tỉ đồng.
Ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, bộc bạch: “Vì thiếu kinh phí nên huyện vẫn chưa thể hoàn tất việc san lấp mặt bằng. Là huyện miền núi, ngân sách thu được hàng năm thấp nên chúng tôi rất khó để bố trí vốn đầu tư”.
Một cơ sở chế biến đá granite đang hoạt động tại CCN Cây Duối (An Lão).
Tại huyện An Lão, sau gần 10 năm thành lập, đến nay, 2 CCN Gò Bùi và Gò Cây Duối với tổng diện tích gần 28 ha mới chỉ thu hút được 16 DN đăng ký đầu tư. Trong đó, chỉ có 9 DN đi vào hoạt động, còn lại là đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Theo chính quyền địa phương, cái khó trong thu hút đầu tư tại 2 CCN này là hệ thống đường giao thông nội bộ, thoát nước, xử lý nước thải tập trung chưa được đầu tư đồng bộ vì huyện thiếu kinh phí. Một khó khăn khác là trục giao thông chính ra vào các CCN là tuyến đường độc đạo ĐT 629 quá nhỏ hẹp, lại đang xuống cấp nên không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các DN...
Cần có chính sách ưu đãi phù hợp
Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến việc khó thu hút đầu tư vào các CCN là do việc quy hoạch các CCN còn nhiều bất cập. Tại một số địa phương do không thu hút được nhà đầu tư thứ cấp đầu tư hạ tầng nên huyện thiếu nguồn lực, dẫn đến tình trạng thiếu điện, thiếu nước, thiếu hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Riêng các CCN ở các huyện miền núi, trung du vốn không thuận lợi về giao thông, địa phương lại chưa có chính sách ưu đãi, hấp dẫn nhà đầu tư nên khó thu hút được nhà đầu tư, các dự án lớn... là chuyện đã nhìn thấy trước.
Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất Bộ Công Thương rà soát lại các chính sách khuyến khích đầu tư, kinh doanh hạ tầng tại các CCN. Cùng với đó, Sở tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng tại các CCN đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; có chính sách đặc thù ưu tiên hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa đầu tư tại các CCN…
Cùng với các giải pháp trên, để tạo điều kiện cho các DN, có lẽ chính quyền các địa phương cũng phải năng động, sáng tạo hơn trong vấn đề thu hút đầu tư, nắm bắt tình hình các DN, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Thường xuyên rà soát, theo dõi hoạt động đầu tư vào các CCN, có biện pháp thu hồi các dự án chậm triển khai.
NGUYỄN HÂN