Cho học sinh niềm vui đến lớp
Ngày chưa có ngôi trường Phổ thông dân tộc bán trú huyện Tây Sơn (ở xã Vĩnh An), khi lên cấp 2, học sinh phải lên học ở Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh hoặc Trường THCS Bình Tường, thậm chí về Trường PTDTNT tỉnh ở Quy Nhơn. Vì vậy, ngày ấy học sinh nơi đây, đặc biệt là học sinh của xã Vĩnh An bỏ học rất nhiều. Từ năm 2010, khi có trường mọi chuyện khác hẳn.
Thầy Trần Văn Hường giảng bài cho từng học sinh.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tây Sơn tuyển sinh ở thôn Hiệp Hòa (xã Bình Tường) và xã Vĩnh An. Hiện tại trường có tổng số 260 học sinh với 12 lớp học từ khối lớp 6 đến khối lớp 9, trong đó có 89 học sinh đồng bào dân tộc thiểu số (riêng số học sinh này được học bán trú).
Đến thăm trường, ấn tượng đầu tiên trong tôi là, như để bù đắp cho người dân địa phương sau nhiều năm phải đưa con em mình đi học xa, thầy cô ở Trường PTDTBT Tây Sơn yêu thương học sinh mình nhiều hơn. Chia sẻ với tôi, một học sinh cho biết, hằng ngày, các em gặp thầy cô nhiều hơn gặp ba mẹ, ở trường nhiều hơn ở nhà, vì luôn được quan tâm, chăm sóc nên các em thấy thoải mái, yêu thương thầy cô như cha mẹ và ham học.
Cuối năm ngoái, khi đi cùng đoàn tẩm màn hóa chất phòng chống sốt rét tại xã Vĩnh An, tôi được biết, trước đây ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân ở Vĩnh An chưa cao, cùng với đó họ cũng ít quan tâm đến chuyện học của con em. Nhưng qua trò chuyện một số phụ nữ ở làng Giọt 1, vừa vui vẻ tẩm màn, nhiều chị còn khoe “con tôi được đi học gần nhà, cả thầy cô cũng nhắc về việc phải tẩm màn phòng muỗi. Thầy cô còn bảo con tôi, về nhắc cha mẹ tẩm màn cho kỹ, để giữ gìn sức khỏe cho nó, còn tôi thì khỏe để đi làm nuôi nó ăn học”. Ở Vĩnh An, việc đến trường không chỉ tác động tích cực đến con em mà còn cho cả gia đình và cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thầy Nguyễn Kim Huynh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Học sinh của trường chủ yếu là người Kinh và Bana. Để tạo sự đoàn kết, giúp các em thông hiểu nhau, từ khi mới vào trường, trường tạo nhiều hoạt động tập thể, vui chơi để các em hòa hợp, gắn bó nhau. Các em người Bana rất rụt rè khi tiếp xúc với người lạ, biết tâm lý này, thầy cô không chỉ nỗ lực gần gũi, mà đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm còn động viên học sinh người Kinh tiếp cận, tạo sự thân mật để xây dựng tập thể lớp đoàn kết, yêu thương nhau. Yêu thương là nền tảng quan trọng để xây dựng môi trường học tập, thầy yêu thương trò, bạn học yêu thương nhau, giờ đây đã là một truyền thống tốt đẹp của Trường PTDTBT Tây Sơn.
Là trường bán trú, ngoài việc lo bữa ăn, giấc ngủ trưa cho học sinh, thầy cô còn theo dõi sát sao tránh tình trạng học sinh đi nắng, bỏ học. Do vậy, trưa học sinh nghỉ ngơi thầy cô lại “lập trạm” canh giấc cho học sinh. Ông Võ Ngọc Khanh, Trưởng Phòng GD&ĐT nói đùa nhưng đầy chia sẻ với giáo viên nơi đây, các em học sinh vào bữa trưa, thầy cô cũng tổ chức nấu ăn, có khi không nấu ăn thì mỗi người mỗi gói mì, rồi chuẩn bị vào giờ học tập buổi chiều với các em.
Bên cạnh việc dạy chữ, nhà trường còn tạo nhiều hoạt động vui chơi để các em sinh hoạt tập thể, thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, kéo co.... Đặc biệt hiểu được cồng chiêng là linh hồn văn hóa của đồng bào Bana, cô Phùng Thị Tuyến đến tận làng học múa xoang, đánh cồng chiêng về dạy cho học sinh mình.
Vì trường còn thiếu thốn, mỗi lần sinh hoạt nhà trường lại vào làng mượn cồng chiêng, ấy vậy mà đội cồng chiêng của trường nhiều lần được đại diện tham dự các hội thi về văn hóa ở các tỉnh khác tổ chức, biểu diễn ở các ngày lễ của trường. Cô Phùng Thị Tuyến khoe: Sắp tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tặng cho trường mình một bộ cồng chiêng. Khi đó, đội cồng chiêng của trường sẽ được luyện tập, biểu diễn nhiều hơn.
Đi thăm qua các lớp học, điều khiến tôi thích thú là không có lớp học nào ồn ào, thầy cô giảng bài, học sinh chăm chú lắng nghe, phát biểu, bổ sung. Quan sát giờ học toán của lớp 6A1 do thầy Trần Văn Hường đứng lớp. Thầy giáo Hường đang hướng dẫn trực tiếp cho một nhóm học sinh, các em còn lại cũng chăm chú theo dõi. Hỏi ra mới biết, đôi lúc giảng theo nhóm, học sinh vẫn không hiểu bài; khi ấy giáo viên phải dừng lại và từ tốn hướng dẫn cho từng em một.
Để ngăn chặn học sinh bỏ học, ngoài việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, ở các ngày lễ kỷ niệm, nhà trường còn mời một số anh chị khóa trên tiêu biểu đến trò chuyện như một cách truyền cảm hứng cho đàn em khóa sau. Đồng thời nhà trường tạo mối liên kết chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhờ hỗ trợ động viên các gia đình chăm lo việc đến lớp của con em, tránh tình trạng học sinh bỏ học.
Ông Đinh Ven, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh An cho biết: Con em chúng tôi được học hành, hiểu biết là điều rất quan trọng. Mỗi khi nhà trường có việc cần hỗ trợ, chúng tôi luôn hết mình bởi lẽ việc giúp trẻ nhỏ đi học, dạy các cháu học chữ không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường mà còn là nhiệm vụ của chính quyền.
Tiếng nhạc mở báo giờ tập thể dục và giải lao giữa giờ, nhìn các em nghiêm túc luyện tập, thầy Nguyễn Kim Huynh vui vẻ bảo: “Nhìn các em ra sân luyện tập, hòa hợp, vui vẻ cùng nhau, với chúng tôi không gì vui bằng”.
THẢO KHUY