Thi hành án hình sự về tham nhũng, kinh tế: Cần ngăn chặn tẩu tán tài sản
Kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế ở mức rất thấp. Thực tế đó đặt ra yêu cầu phải nâng cao hiệu quả phối hợp giữa lực lượng Thi hành án dân sự và các cơ quan liên quan trong ngăn chặn các hành vi tẩu tán tài sản.
Vai trò của hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) trong việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là vô cùng quan trọng, nhằm đảm bảo cho các bản án được thi hành nghiêm túc, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản cho Nhà nước, các tổ chức và công dân.
Ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản là biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
- Trong ảnh: Thực hiện thủ tục công nhận đấu giá thành trong một cuộc đấu giá quyền sử dụng đất. (Ảnh minh họa)
Chỉ thu hồi được 6%
Trong năm 2018, tổng số việc thụ lý thi hành của các cơ quan THADS tỉnh liên quan đến án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 20 việc; kết quả, đã thi hành xong 12 việc, đạt 60%. Tuy nhiên, với tổng số tiền thụ lý gần 29 tỉ đồng, số thu hồi được chỉ hơn 1,7 tỉ đồng, đạt 6%.
“Cần tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản của người phạm tội cũng như phạm vi áp dụng của các biện pháp này, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc tẩu tán tài sản của người phạm tội để trốn tránh nghĩa vụ THA…”
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ và tổ chức THADS (thuộc Cục THADS tỉnh), thời gian điều tra, truy tố các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thường kéo dài, người phạm tội và người thân đã tìm cách tẩu tán tài sản trước khi cơ quan điều tra kê biên. Trong khi đó, quy định của pháp luật THADS về ủy thác thi hành án (THA) chưa thực sự phù hợp, đặc biệt là trong trường hợp các tài sản kê biên nằm ở nhiều địa phương trên cả nước; chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý tài sản kê biên là phần vốn góp hoặc cổ phần, cổ phiếu.
Đáng chú ý, số tiền phải THA đối các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đa số có giá trị lớn, trong khi đó tài sản của người phải THA có giá trị nhỏ hoặc hầu như không còn tài sản để đảm bảo cho việc THA. Số tiền chưa có điều kiện thi hành của năm 2018 lên đến gần 27 tỉ đồng, chiếm 92% tổng số tiền phải THA, ảnh hưởng lớn đến kết quả thu hồi. Điển hình, có trường hợp số tiền phải THA 19,2 tỉ đồng nhưng chỉ thu hồi được gần 112 triệu đồng, đạt 0,58%.
“Song, cũng phải kể đến một nguyên nhân quan trọng là ý thức chấp hành pháp luật của người phải THA và thân nhân của họ chưa cao. Nhiều trường hợp chây ỳ, có điều kiện nhưng cố tình không THA, chống đối, cản trở cơ quan THADS trong quá trình tác nghiệp hoặc lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để trì hoãn quá trình THA”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.
Phong tỏa để chống tẩu tán tài sản
Có một thực tế phổ biến là phần lớn người phải THA đối với loại việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế đang chấp hành án phạt tù; tài sản của họ không có, hoặc đã chuyển nhượng cho người khác trước khi bản án có hiệu lực pháp luật. Theo quy định pháp luật THADS hiện hành thì cơ quan THADS không có thẩm quyền xử lý đối với tài sản đã chuyển nhượng trước khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản của người phạm tội cũng như phạm vi áp dụng của các biện pháp này. Có vậy mới hạn chế đến mức thấp nhất việc tẩu tán tài sản của người phạm tội để trốn tránh nghĩa vụ THA. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định của Luật THADS về ủy thác THA cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhất là khi tổ chức thi hành các vụ án lớn có tài sản kê biên nằm ở nhiều nơi trên cả nước; có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về trình tự, thủ tục xử lý một số tài sản kê biên mang tính chất đặc thù như vốn góp, cổ phần, cổ phiếu. Đồng thời, nghiên cứu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật THADS và những mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định giữa Luật THADS và các luật chuyên ngành khác như thẩm định giá, bán đấu giá, đất đai, nhà ở, DN, phá sản...
Trong khi đó, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Nguyễn Xuân Hồng cho hay, giải pháp quan trọng là các cơ quan THADS sẽ tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa phương như CA, Viện Kiểm sát, Tòa án, BHXH, Thuế, TN&MT, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là đối với các vụ việc có tính chất phức tạp, khó khăn, vướng mắc hoặc cần huy động lực lượng cưỡng chế THA.
“Thủ trưởng, chấp hành viên, công chức THA sẽ phải chủ động, tích cực trong công tác chỉ đạo, tổ chức THA. Đặc biệt là tiến hành xác minh đầy đủ và kịp thời điều kiện THA, quyết liệt tổ chức THA đối với các vụ việc có điều kiện thi hành”, ông Hồng nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG