Tìm giải pháp hạn chế nỗi đau đuối nước ở trẻ em: Hy vọng từ một đề tài khoa học
Theo thống kê của Sở Y tế và Sở LÐ-TB&XH, hàng năm, số vụ trẻ em tử vong do đuối nước luôn chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng số ca tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải có giải pháp can thiệp nhằm hạn chế nguy cơ đuối nước và tử vong do đuối nước ở trẻ em. Và một đề tài nghiên cứu khoa học đã hướng đến điều đó.
Giải bơi thiếu niên, nhi đồng do huyện Tuy Phước tổ chức lần thứ I vào năm 2018 với mong muốn khuyến khích nhiều trẻ em học bơi, tập bơi.
Trước khi ThS - bác sĩ Bùi Lê Vĩ Chinh (Trường CĐ Y tế Bình Định) và ThS Lê Thị Vinh Hương (Sở Du lịch Bình Định) triển khai đề tài Nghiên cứu thực trạng và các yếu tố liên quan đến đuối nước ở trẻ em; đề xuất giải pháp can thiệp nhằm giảm nguy cơ mắc và tử vong trẻ em do đuối nước tại tỉnh Bình Định chưa từng có nghiên cứu nào về giải pháp can thiệp nhằm giảm nguy cơ này.
Sau khi khởi động đề tài, nhóm nghiên cứu đã áp dụng thực nghiệm các giải pháp ở nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt chú trọng đến các khu vực thường xảy ra đuối nước trẻ em. Trong hai năm 2017 - 2018, nhóm đã tổ chức truyền thông cho 600 hộ dân, phát hơn 3.000 tờ rơi trong dân, phối hợp đưa hơn 20 bản tin truyền thanh ở các xã. Việc đẩy mạnh tuyên truyền đã giúp người dân quan tâm đến con em mình nhiều hơn, học sinh tiểu học trở lên đã nhận biết tốt hơn các nguy cơ.
Cùng với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, từ ý tưởng của nhóm nghiên cứu, Sở Y tế và Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức nhiều lớp trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước, kỹ năng sơ cấp cứu trẻ đuối nước cho gần 800 cán bộ y tế, các nhân viên tại trường học, cho học sinh; tổ chức 6 lớp dạy bơi cho gần 200 trẻ; tặng 150 cặp phao cho học sinh ở những vùng thường xảy ra lũ lụt.
Qua số liệu khảo sát ở trẻ từ 16 tuổi trở xuống cho thấy, tỉ lệ trẻ mắc đuối nước tập trung ở nhóm tuổi 0 - 4 (chiếm hơn 40% tổng số ca bị mắc), trong đó tỉ lệ tử vong ở nhóm này cũng cao nhất (gần 50% trong tổng số ca tử vong do đuối nước ở trẻ em). Giải pháp được nhóm nghiên cứu đưa ra là cho trẻ đi học mẫu giáo, gia đình luôn để mắt đến trẻ và xây tường bao, làm rào chắn xung quanh ao hồ gần nhà, làm nắp đậy bể chứa, thùng, chum nước trong nhà.
TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN đề xuất thêm: “Có thể gắn camera tại khu vực hồ bơi, khu vực trường học gần hồ bơi. Trên thị trường hiện đã có những con chíp gắn vào trẻ thuộc nhóm tuổi này và báo động cho cha mẹ bằng điện thoại. Từng có những đề tài khởi nghiệp tương tự triển khai ở Sở KH&CN”.
Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tây Sơn, tỏ ra rất tâm huyết và cho biết: Trước yêu cầu huyện phải có hồ bơi đạt chuẩn để triển khai chương trình dạy bơi cho trẻ, lãnh đạo huyện tích cực kêu gọi DN và kết quả trong năm 2018, trên địa bàn huyện đã có 2 hồ bơi. Tháng 10.2018, chúng tôi đã tổ chức giải bơi lần thứ nhất, năm nay tiếp tục tổ chức nhưng dự kiến làm sớm hơn. Trẻ biết bơi và biết cách phòng chống đuối nước nên số ca mắc và tử vong giảm rất đáng kể.
Về một số xã thuộc vùng rốn lũ của huyện Tuy Phước, ám ảnh về trẻ đuối nước không còn nặng nề như quãng 3 - 4 năm trước với gần chục trẻ tử vong. Bà Nguyễn Thị Lý ở xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước) chia sẻ, lúc mới nhận thông tin có lớp tập huấn, bà và nhiều người dân trong xã không hào hứng lắm, nhưng sau 1 - 2 lần tham dự, thấy nội dung rất bổ ích và thiết thực, bà vận động nhiều người quen biết đến dự.
KHÁNH HUÂN