Ứng dụng GIS trong quản lý tài nguyên rừng: Cập nhật và chính xác cao
Mấy năm gần đây, việc ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - GIS) trong kiểm tra rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng đã góp phần giúp Chi cục Kiểm lâm Bình Định nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và PCCC rừng.
Việc kiểm tra thực địa về hiện trạng rừng trở nên nhanh chóng và chính xác hơn nhờ ứng dụng GIS kết hợp các phần mềm công nghệ thông tin.
- Trong ảnh: ThS Nguyễn Xuân Vũ (cán bộ Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh) hướng dẫn cán bộ kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân so sánh diễn biến rừng trên bản đồ thông thường với số liệu do GIS cung cấp.
Bình Định có diện tích rừng và đất lâm nghiêp khá lớn, chiếm 70,32% diện tích tự nhiên. Để làm tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, Chi cục phải cập nhật thường xuyên số liệu về tài nguyên rừng, diễn biến rừng. Từ năm 2012, nhiều giải pháp kỹ thuật dựa trên cơ sở kết hợp nhiều phần mềm công nghệ thông tin và đặc biệt là GIS đã được triển khai. Nhờ nhiều nỗ lực tích cực áp dụng công nghệ mới, công tác xây dựng bản đồ và quản lý số liệu lâm nghiệp, theo dõi diễn biến rừng, cảnh báo sớm cháy rừng đã đạt kết quả tốt.
Theo ông Tạ Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên - Chi cục Kiểm lâm Bình Định, việc chuyển dữ liệu các bản đồ lên hệ thống định vị toàn cầu đã tạo nhiều thuận lợi cho công tác kiểm tra, quản lý rừng, đo vẽ lô rừng... Trước đây để kiểm tra thực địa về hiện trạng rừng, lực lượng kiểm lâm phải chuẩn bị rất nhiều dụng cụ (bản đồ giấy, bút, thước, máy tính), dễ gặp sự cố, tốn nhiều thời gian trên thực địa lẫn ở văn phòng thì nay, nhờ đã được số hóa, cán bộ kiểm lâm chỉ cần mang theo điện thoại thông minh cũng có thể xác định rất nhiều thông tin, có thể đối chiếu, kiểm tra rất nhanh hiện trạng rừng trên khoảnh.
Nhờ cơ sở dữ liệu đã được số hóa, kết hợp với GIS, việc cập nhật các thông tin quan trọng như: vị trí hành chính, thông tin chủ rừng, đối tượng sử dụng đất và thông tin quy hoạch 3 loại rừng trở nên liên tục, chính xác và khoa học. GIS còn giúp cung cấp chính xác về hiện trạng rừng như độ che phủ, trữ lượng rừng, phân loại rừng, đặc biệt những biến động về rừng tại các vùng rừng ở xa, đồi núi cao khó đi lại, giúp lực lượng kiểm lâm thực hiện tốt công tác theo dõi diễn biến rừng.
GIS còn giúp phát hiện, cảnh báo sớm các khu vực rừng có nguy cơ cháy, nhờ đó lực lượng kiểm lâm kịp thời huy động lực lượng và phương tiện, hạn chế thiệt hại. Ông Nguyễn Hồng Kháng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - TP Quy Nhơn, cho biết: Địa bàn do chúng tôi quản lý rất rộng, từng xảy ra nhiều vụ cháy rừng nghiêm trọng. Song vài năm gần đây, nhờ áp dụng hiệu quả ứng dụng GIS, các diễn biến liên quan đến rừng đã được kiểm soát rất kỹ, các nguy cơ được cảnh báo sớm.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định chia sẻ, hạn chế lớn nhất của GIS là chưa thể phát hiện kịp thời các trường hợp cháy rừng, phá rừng trong thời gian vệ tinh đã đi qua vị trí chụp. Bởi thế, sắp tới, Chi cục sẽ nghiên cứu trang bị thêm máy bay không người lái để quan sát, chụp ảnh và quay phim trên diện tích rừng ở xa, đi lại khó khăn.
HỒNG HÀ