“Cưỡng hôn” hay “sàm sỡ”
Vài tuần gần đây, do một số vụ việc, từ “cưỡng hôn” được dùng khá nhiều và dùng… sai, chủ yếu là trong ngôn ngữ báo chí. Chẳng hạn, báo Tuổi Trẻ điện tử ngày 18.3.2019 đưa tin “Cưỡng hôn nữ sinh trong thang máy, bị phạt… 200.000 đồng”, báo Giáo Dục & Thời Đại điện tử ngày 16.3.2019 có bài “Đối tượng cưỡng hôn nữ sinh trong thang máy không đến xin lỗi”.
Khi dùng từ “cưỡng hôn” cho sự việc trong bài, người viết ắt là muốn nói đến chuyện “cưỡng ép để hôn người khác”. Đây là cách dùng từ sai.
“Cưỡng hôn” trong tiếng Việt chẳng có nghĩa nào liên quan đến hoạt động “hôn” cả. Đây là một từ Việt gốc Hán, trong đó, “cưỡng” có nghĩa là “ép buộc, bức bách” (như trong cưỡng bức, cưỡng chế, cưỡng đoạt); “hôn” nghĩa là “cưới, lễ cưới” (như trong hôn nhân, kết hôn, tảo hôn). “Cưỡng hôn” có thể hiểu là “cưỡng ép để có hôn nhân” hoặc “hôn nhân bị cưỡng ép”. Từ điển tiếng Việt định nghĩa là “cưỡng ép phải lấy một người nào đó làm chồng hay làm vợ; ép duyên” (Viện Ngôn ngữ, Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.243).
Như vậy, xét theo nội dung sự việc, nên diễn đạt là đối tượng đã sàm sỡ nữ sinh trong thang máy. Dùng từ “cưỡng hôn” là sai hoàn toàn. Chuyện nhầm lẫn ở đây, có lẽ bắt đầu từ việc hiểu sai hoặc cố tình đánh đồng nghĩa của 2 từ “hôn”, gồm: “hôn” (1) trong “hôn nhân” và “hôn” (2) trong “nụ hôn”.
Việc một số ấn phẩm báo chí tùy tiện sử dụng từ, rồi nhiều báo khác dẫn lại nguồn, những bài báo trên còn được phát tán trên mạng xã hội rõ ràng đã làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ