Việt Nam nghiên cứu thành công vật liệu chế tạo vệ tinh
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, đơn vị này vừa chế tạo thành công loại vật liệu có khả năng chịu nhiệt lên tới 3000 0C, mở ra khả năng ứng dụng trong nhiều ngành công nghệ cao.
Nằm trong khuôn khổ đề tài trọng điểm cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các nhà khoa học của Trung tâm Phát triển công nghệ cao đã nghiên cứu, chế tạo thành công vật liệu tổ hợp đặc biệt compozitcacbon - cacbon. Vật liệu này có khả năng chịu được nhiệt độ cao (≈ 30000C), chịu được sốc nhiệt lớn, có độ bền cơ học rất cao.
Thành công này mở ra khả năng ứng dụng và chủ động sản xuất trong nước của vật liệu compozitcacbon - cacbon trên nhiều lĩnh vực như công nghệ chế tạo vệ tinh, chế tạo máy bay, ứng dụng trong y học, khai khoáng và quốc phòng.
Để thử nghiệm vật liệu này, Trung tâm Phát triển công nghệ cao đã phối hợp với Viện Hóa học Vật liệu, Viện Tên lửa - Viện KH&CN Quân sự, Bộ Quốc phòng, cùng một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đã tiến hành tổ chức thử nghiệm phóng khí cụ bay trên cơ sở loa phụt được chế tạo từ tổ hợp vật liệu compozitcacbon - cacbon.
Thử nghiệm trên nhằm đánh giá khả năng hoạt động của loa phụt đối với khí cụ bay trong điều kiện cận thực tế. Kết quả cho thấy, loa phụt và đặc biệt là bộ phận ống phun laval đã hoạt động ổn định trong môi trường của luồng nhiệt độ cao (≥ 28500C) và có sự thay đổi nhiệt độ lớn (sốc nhiệt), chịu xói mòn và ma sát lớn.
Việc thử nghiệm thành công đánh dấu sự đột phá nhảy vọt trong nghiên cứu, làm chủ công nghệ chế tạo vật liệu đặc chủng compozitcacbon - cacbon và tạo nền tảng chủ động cho việc phát triển nhiều lĩnh vực sản xuất trong nước.
Theo NGUYỄN HOÀI (TP)