Nhân ngày khí tượng thế giới - 2019: Thời tiết, khí hậu & sự sống
Biến đổi khí hậu là khái niệm được nhắc nhiều trong những năm gần đây, là vấn đề cấp bách cần ứng phó kịp thời và nhanh chóng. Biến đổi khí hậu tác động đến tất cả các ngành KT-XH, thậm chí còn ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên chiến lược cho sự sống như nước, lương thực, năng lượng và đe dọa sự phát triển bền vững. Nằm trong chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, Ngày Khí tượng thế giới năm 2019 lấy chủ đề “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết”.
Cán bộ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Bình Định kiểm tra thông số khí tượng thời tiết. Ảnh: Đoan Ngọc
Trong mấy thập niên qua, trái đất không ngừng nóng lên làm biến đổi toàn bộ môi trường sinh thái, dẫn đến nhiều hệ lụy cho đời sống con người. Theo nhiều kết quả nghiên cứu khoa học, nhiệt độ trung bình trên bề mặt trái đất ấm lên gần 1°C trong vòng 80 năm và tăng rất nhanh trong khoảng 25 năm gần đây. Nếu chúng ta không thực hiện được chương trình hành động giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính thì đến năm 2035 nhiệt độ bề mặt trái đất sẽ tăng thêm 2°C. Về lâu dài có khả năng nhiệt độ tăng thêm đến 5°C. Sự gia tăng các cực trị nhiệt độ - ở cấp độ địa phương cũng như toàn cầu, xảy ra thường xuyên và gay gắt hơn tạo nên những hình thái thời tiết cực đoan ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của con người.
Sự nóng lên của trái đất bắt nguồn từ sự tăng nhanh hàm lượng khí CO2 và các loại khí thải tạo hiệu ứng nhà kính do hoạt động của con người gây ra. Nhiều thập niên qua, tốc độ tăng trưởng dân số, sử dụng năng lượng và phát triển công nghiệp đã làm tăng nhiều loại khí và bụi mà chúng có thể ảnh hưởng sự tuần hoàn nhiệt của trái đất. Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn tác động đến nền kinh tế và sự phát triển bền vững, đến thực phẩm và an ninh nước, gây tổn hại cho cây trồng mùa vụ và hệ sinh thái, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của mỗi cá nhân.
Để thực hiện nhiệm vụ chung đó của thế giới và đồng thời đạt được mục tiêu hiện đại hóa ngành, đến năm 2020 ngành khí tượng thủy văn (KTTV) Việt Nam có đủ năng lực điều tra cơ bản, dự báo KTTV, phục vụ yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Trong nhiều năm qua, ngành KTTV đã tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư, trang bị nhiều trạm tự động, nâng cao năng lực quan trắc và dự báo KTTV, trọng tâm là công tác dự báo bằng mô hình số trị và dự báo cực ngắn.
Tại Bình Định trong những năm gần đây đã được trang bị thêm gần 40 trạm đo mưa tự động, sắp tới đưa trạm khí tượng Phù Mỹ, rada thời tiết Vũng Chua vào hoạt động khai thác để có đầy đủ cơ sở dữ liệu, giúp công tác dự báo đặc biệt là dự báo điểm cho 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cực đoan nhằm nâng cao chất lượng dự báo, phục vụ một cách tích cực hơn các yêu cầu phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Bình Định.
LƯƠNG NGỌC LŨY