Trường ÐH Quy Nhơn: Tái cấu trúc, đáp ứng thị trường lao động
Với lợi thế là một trong những trường đại học có uy tín từ giai đoạn chuyên đào tạo ngành sư phạm, ÐH Quy Nhơn đang tiếp tục đầu tư tái cấu trúc, nâng cao chất lượng đào tạo đa ngành, hướng tới thu hút sinh viên, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Năm 2019, Trường ĐH Quy Nhơn tuyển sinh 4.600 chỉ tiêu cho 44 ngành đào tạo đại học, trong đó có 2 ngành và 9 chuyên ngành mới; các ngành mới tập trung vào thay đổi, bổ sung cơ cấu ngành theo hướng ứng dụng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, giúp sinh viên ra trường dễ tìm được việc làm phù hợp.
Sinh viên được hướng dẫn thực hành tại hệ thống phòng thí nghiệm lưới điện thông minh và mô phỏng hiện đại.
Tái cấu trúc và đa dạng ngành đào tạo
Năm nay, trường bổ sung một số ngành về du lịch như: Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ - du lịch - lữ hành; ngoài ra, một số ngành như: Kỹ thuật phần mềm, Kiểm toán, Kỹ thuật xây dựng được mở ra theo hướng thực hành, ứng dụng. Ngược lại, ở những ngành nhu cầu xã hội đã giảm, sinh viên ra trường khó tìm việc làm như: Lịch sử, Sinh học, Địa lý tự nhiên..., nhà trường mạnh dạn không tuyển sinh.
“...Tự chủ, quản trị đại học, chất lượng đại học là những vấn đề quan tâm hàng đầu của các trường đại học. Do đó, theo chủ trương của Bộ GD&ÐT, nhu cầu của sinh viên, đặc biệt là thị trường lao động, các cơ sở giáo dục vừa tiếp cận thị trường lao động vừa thiết kế lại quy mô, cách thức đào tạo, làm sao để kết nối nhanh nhất giữa nhu cầu xã hội - nhu cầu người học thông qua hệ thống đào tạo linh hoạt, phù hợp”.
PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn nhận định, tự chủ, quản trị đại học, chất lượng đại học là những vấn đề quan tâm hàng đầu của các trường đại học. Do đó, theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, nhu cầu của sinh viên, đặc biệt là thị trường lao động, các cơ sở giáo dục vừa tiếp cận thị trường lao động vừa thiết kế lại quy mô, cách thức đào tạo, làm sao để kết nối nhanh nhất giữa nhu cầu xã hội - nhu cầu người học thông qua hệ thống đào tạo linh hoạt, phù hợp.
Dù vậy, xác định đào tạo sư phạm vẫn là ngành mũi nhọn, ngày 21.3, ĐH Quy Nhơn công bố quyết định thành lập Khoa Sư phạm trên cơ sở tái cấu trúc các ngành đào tạo sư phạm trước đây. Chương trình đào tạo sẽ được xây dựng theo mô hình đào tạo CDIO mà nhiều trường đại học trên thế giới đã áp dụng.
“Để mở những ngành mới, nhà trường đã tính toán kỹ lưỡng, thực hiện khảo sát nhu cầu xã hội và thiết kế chương trình phù hợp nhất, tránh tình trạng không thu hút được sinh viên. Đồng thời, trước đó, nhà trường cũng đã cử giảng viên đi nghiên cứu ở nước ngoài để về giảng dạy đáp ứng những ngành học mới”, TS Huỳnh Công Tú, Phó Trưởng Phòng Đào tạo đại học cho biết.
Gắn kết với doanh nghiệp
Để giúp sinh viên dễ tìm việc khi tốt nghiệp, Trường ĐH Quy Nhơn chủ động liên kết với nhiều DN, như: FPT Software, TMA Solutions, Công ty Vintech (Vin Group), Hoàng Anh Gia Lai... để đưa sinh viên đi thực tập tại các DN. Hơn nữa, sinh viên có thời gian thực tập tại các DN gấp đôi so với trước đây - từ 1 - 2 tháng, thậm chí nhờ sự kết nối của trường, tại một số ngành, sinh viên còn được nhận phụ cấp ngay trong thời gian thực tập.
Ông Nguyễn Ngô Duy Bình, Giám đốc TMA chi nhánh Bình Định, cho biết: Trong vài tháng qua, chúng tôi đã tuyển khoảng 20 sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn ở các ngành: Toán, Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông. Nếu các bạn cần một lời khuyên, tôi mong các bạn nên trau dồi thêm về năng lực tiếng Anh. Về thực tập, chúng tôi giúp các bạn được tiếp cận, làm việc trên môi trường làm việc thật - dự án thật để trau dồi thêm kỹ năng làm việc.
Từ nỗ lực kết nối của nhà trường, sắp tới đây, sinh viên các ngành: Đông phương học, Quản trị khách sạn sẽ được thực tập 6 tháng tại Nhật Bản. Đây là chương trình thực tập có lương, được hỗ trợ ăn uống, di chuyển. Sinh viên chỉ cần chi khoản phí ban đầu là 23 triệu đồng (bao gồm khóa học tiếng Nhật, visa, bảo hiểm...). Hiện tại đã có 27 sinh viên đăng ký tham gia và theo học tiếng Nhật, đến năm 2020, nhóm sinh viên đầu tiên này sẽ được thực tập ở Nhật.
“Em cảm thấy chuyên ngành Nhật Bản học (thuộc ngành Đông phương học) có triển vọng nên em đã theo học và càng học càng thích. Em đang tham gia khóa học tiếng Nhật để được thực tập tại Nhật. Em nghĩ, môi trường lao động tại Nhật rất áp lực, mình sẽ được trải nghiệm, học hỏi nhiều thứ. Tuy có vài lo lắng nhưng em thấy rất hào hứng” - Trương Thị Bích Phương, sinh viên năm 1 chia sẻ đầy hy vọng.
ThS Trần Minh Chương, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản (ĐH Quy Nhơn) cho biết: DN Nhật Bản đang chuyển hướng đầu tư vào Đông Nam Á, đặc biệt là vào Việt Nam, trong đó có Bình Định. Vì vậy, sau Đông phương học, Quản trị khách sạn, tới đây, Trung tâm còn tổ chức đưa sinh viên mới tốt nghiệp các ngành: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy tính, Công nghệ phần mềm, Cơ khí... sang Nhật tìm cơ hội việc làm. Đây là chương trình hỗ trợ du học và làm việc tại Nhật do Công ty FPT Nhật Bản thành lập. Chúng tôi sẽ hỗ trợ sinh viên tối đa kể cả giúp các em tiếp cận kênh vay tiền để trang trải chi phí ban đầu”.
THẢO KHUY