Có thiếu nước mới biết quý nước
Nhân Ngày Nước thế giới (22.3), tôi lại nhớ năm 2011 khi về làm dâu ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn. Vốn là người Đà Nẵng, chưa từng biết thiếu nước là gì, nên khi về nhà chồng, tôi mới thấm thía cái cảnh khổ sở khi sống thiếu nước.
Ngày ấy tưởng chừng như xa, thật ra chỉ cách đây vài năm thôi, ngày nào chúng tôi cũng phải múc hơn chục thùng nước giếng ở độ sâu chừng 30 m để giặt đồ, nấu ăn; nước rửa rau được tận dụng để rửa chén; ai đi làm về trước có nước tắm, chẳng may về trễ thì đành thôi dù công việc nhà nông bùn đất đầy người.
Đấy là những ngày tháng chạp, tháng giêng, trời dịu mát. Đến độ tháng 3 trở đi trời nóng dần, chuyện nước non càng khó khăn hơn. Nơi thiếu ít thì bà con chia nhau lấy nước từ các giếng lân cận để dùng. Còn những nơi như xóm 5, xóm 6, thôn Thượng Sơn, các giếng nước khoan, giếng đóng đều khô nước, bà con phải đi xa hàng cây số, dùng can, xô mua nước chở về, hoặc gánh nước từ sông suối về dùng, bất chấp hiểm họa từ thuốc trừ sâu, trừ cỏ.
Ấy vậy rồi, năm 2014, được sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (ADB) và sự đầu tư của tỉnh, công trình cấp nước sạch và vệ sinh Tây Giang được xây dựng, đưa vào sử dụng. Với công suất thiết kế 1.500 m3/ngày đêm, nhà máy đã cung cấp nước sạch cho hơn 3.500 hộ dân ở 2 xã Tây Giang và Tây Thuận, trong niềm vui khôn tả của người dân địa phương. Chúng tôi không còn phải chạy đôn chạy đáo để gánh từng xô nước về dùng sau những giờ lao động đồng áng vất vả nữa, thay vào đó, nước sạch theo đường ống chảy về đến tận nhà.
Đời sống người dân Tây Thuận hôm nay vẫn còn đó những khó khăn, nhưng nếu được hỏi về những đổi thay lớn trên quê hương tôi, chăc chắn bà con sẽ nói về một cuộc sống nhiều thoải mái khi có nước. Còn với tôi, quả thật có nước sạch để dùng là một sự “diệu kỳ” và tôi cũng hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những nhà máy nước sạch được đầu tư xây dựng để các hộ dân ở những vùng thiếu nước sinh hoạt giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, giảm bớt gánh nặng bệnh tật do nguồn nước ô nhiễm gây ra.
MINH NGỌC