“Cảm ơn” và “cám ơn”
Đây là hai từ quen thuộc, có cùng nghĩa, cùng cách sử dụng và được dùng rất phổ biến trong tiếng Việt. Tuy nhiên, một số người tỏ ra thận trọng, băn khoăn, liệu chúng là hai từ khác nhau hay chỉ là một ?
Câu trả lời là một. Cả “cảm ơn” lẫn “cám ơn” đều có cùng nguồn gốc Hán, bắt nguồn từ hai chữ tiếng Hán mà âm Hán Việt của nó là “cảm ân”. Trong tiếng Hán, “cảm” có nghĩa là “cảm thấy, cảm động”, “ân” nghĩa là “ơn”, “cảm ân” có thể hiểu là “cảm động, cảm kích trước ân huệ nhận được [từ người khác]”.
Khi vào tiếng Việt, ngoài nghĩa trên, tức là “tỏ lòng biết điều tốt người khác đã làm cho mình”, “cảm ơn”/ “cám ơn” còn được dùng “làm lời nói lễ phép, lịch sự để nói với người đã làm việc gì đó cho mình, hoặc để nhận lời hay để từ chối”.
Thật ra, “cảm ơn” và “cảm ân” vốn là một. Bởi như đã biết, hai khuôn vần /-ơn/ và /-ân/ có quan hệ gần gũi. Từ “ơn” chính là biến âm của “ân”. Một số từ Hán Việt có vần “ân” được người Việt đọc lệch thành “ơn”, chẳng hạn: chân thật à chơn thật, nhân nghĩa à nhơn nghĩa.
Vậy còn từ “cám ơn”? Vấn đề ở yếu tố “cám”. Trong tiếng Hán, “cám” có nhiều nghĩa nhưng không có nghĩa nào liên quan đến sự “tỏ lòng biết ơn” cả. Trong tiếng Việt, có hai từ “cám”. Đó là: “cám” (1) trong “cám gạo” và “cám” (2) với nghĩa “động lòng thương, cảm thương trước một cảnh ngộ nào đó”. “Cám” trong “cám ơn” chính là “cám” (2) và nó bắt nguồn từ chính “cảm” trong “cảm ơn”. Vì như đã biết, thanh sắc và thanh hỏi cùng âm vực cao và chúng có thể chuyển hóa cho nhau.
Có thể hiểu nôm na, “cảm ơn” là biến âm F1, “cám ơn” là biến âm F2 của “cảm ân” theo diễn biến cảm ân à cảm ơn à cám ơn. Hoặc, “cảm ơn” là biến âm một phần, “cảm ơn” là biến âm toàn phần của “cảm ân”. Có lẽ vì thế mà “cám ơn” không trang trọng bằng và được xem là khẩu ngữ của “cảm ơn” như Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ, Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.120) đã ghi nhận chăng?
ThS PHẠM TUẤN VŨ