Ngành du lịch thiếu lao động: Cơ hội lớn của các cơ sở đào tạo
Ngành du lịch đang phát triển, kéo theo nhu cầu lao động phục vụ cho ngành cũng tăng nhanh. Trong khi chưa thu hút được nhiều lao động từ nơi khác về thì hiện nay, nguồn cung tại địa phương chưa đáp ứng được đà tăng trưởng của ngành.
Theo Sở Du lịch, giai đoạn từ năm 2013 cho đến cuối năm 2017, lượt du khách tới Bình Định tăng trưởng trung bình hàng năm từ 18 - 25%, doanh thu tăng trưởng trung bình 25,9%; nhân lực hoạt động trong ngành tăng đều. Riêng năm 2018, Bình Định đón hơn 4 triệu lượt khách, tăng 10,6% so với năm 2017; doanh thu đạt 4.002 tỉ đồng, tăng tới 87,6% so với năm 2017; lao động trực tiếp trong ngành du lịch là 6.670 người, tăng 17,2% so với năm 2017. Tính đến quý I/2019, dự kiến lực lượng lao động trực tiếp trong ngành du lịch là 7.100 người.
Một buổi thực hành của sinh viên ngành Quản trị nhà hàng, Trường CĐ Bình Định.
Cung không đủ cầu
Toàn tỉnh hiện có khoảng 10 đơn vị đào tạo nhân lực cho ngành du lịch, trong đó có 7 trường ĐH, CĐ và 3 trung tâm đào tạo (kể cả các trường hợp liên kết đào tạo). Tuy nhiên phần lớn mới ở mức đào tạo nghiệp vụ, cấp chứng chỉ và đào tạo ngắn hạn cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực này. Theo đánh giá của Sở Du lịch, lực lượng lao động cho ngành du lịch tăng khá nhanh, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của ngành, đồng thời chất lượng chưa cao. Số lao động có trình độ qua đào tạo chuyên ngành du lịch còn ít, lao động có kinh nghiệm còn thiếu.
Theo ông Trương Quang Phong, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh, việc đào tạo lao động cho ngành du lịch tỉnh phải sớm có giải pháp nhằm tăng năng lực cạnh tranh. Các cơ sở đào tạo cần phải đạt yêu cầu chất lượng về mặt giảng dạy, từng bước đạt tới tiêu chuẩn đào tạo của khu vực và quốc tế; chương trình ngành đào tạo phải thống nhất giữa các cơ sở đào tạo dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, thiếu hụt nhân lực là một trong những khó khăn lớn, tác động tới sự phát triển của ngành. Trong năm 2019, Sở Du lịch sẽ xây dựng và hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Tập trung bồi dưỡng nâng cao kiến thức văn hóa, lịch sử, di tích danh lam thắng cảnh của tỉnh và nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch. Tăng cường liên kết với các trường ĐH, CĐ trong và ngoài tỉnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tài, Giám đốc Công ty TNHH DV Quy Nhơn Land - đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch lữ hành tại TP Quy Nhơn, Công ty đang có nhu cầu tuyển hướng dẫn viên phục vụ các tour trong và ngoài tỉnh, song lực lượng đáp ứng được yêu cầu không nhiều. Vào mùa cao điểm, công ty phải thuê hướng dẫn viên tự do có kinh nghiệm với mức giá khoảng 500 ngàn đồng/người/ngày. Nguyên nhân là việc đào tạo từ các cơ sở vẫn chưa phù hợp với thực tế. Nhu cầu rất cao nhưng vừa qua tuyển mãi Công ty mới có thêm được 2 hướng dẫn viên du lịch được đào tạo tại Trường CĐ Bình Định.
Mở ra cơ hội việc làm
Cung ứng lao động cho ngành du lịch là một cơ hội rất lớn để phát triển của các cơ sở đào tạo ở tỉnh Bình Định. Tuy nhiên có vẻ như không có nhiều đơn vị dự báo được khả năng phát triển của ngành kinh tế này. Bởi vậy, để tự đáp ứng nhu cầu của mình, các DN thường phải đào tạo lại, mở một số đợt tập huấn, huấn luyện người lao động vốn được đào tạo cho các ngành khác để về làm việc trong ngành du lịch.
Theo ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định, nhiều năm qua việc chuẩn bị lao động phục vụ ngành Du lịch bị bỏ ngỏ. Với đà tăng trưởng nhanh, nhu cầu việc làm trong ngành rất lớn, đây là cơ hội tốt cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ có kế hoạch phối hợp với các trường học, cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp đào tạo theo hướng chuyên sâu, chú trọng thực hành, nhằm hướng tới việc hoàn thiện đội ngũ nhân lực có chuyên môn, có kinh nghiệm, phục vụ tốt.
Theo ông Huỳnh Ngọc Khoa, Trưởng phòng Đào tạo, Trường CĐ Bình Định - một trong những đơn vị tiên phong trong việc đào tạo nhân lực cho ngành du lịch - từ năm 2005, Khoa Du lịch của trường với 10 ngành học (bao gồm trình độ CĐ và trung cấp) đã đào tạo được khoảng 2.000 sinh viên, học viên chuyên ngành du lịch; liên kết với nhiều DN hoạt động du lịch, các sở, ngành tổ chức các lớp nghiệp vụ, thực hành kỹ năng cho sinh viên. Khóa học năm 2018 đang có 117 sinh viên theo học ở 3 ngành Quản trị nhà hàng, Quản trị khách sạn, Việt Nam học. Khóa học năm 2019, sẽ có 260 chỉ tiêu tuyển sinh vào các ngành du lịch ở trình độ CĐ, trung cấp, riêng đào tạo sơ cấp tuyển sinh thường xuyên.
Trường ĐH Quy Nhơn cũng đã tiếp cận được với nhu cầu thực tế này. Năm học 2018, trường mở khóa học đầu tiên chuyên về du lịch với 2 ngành: Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ - du lịch - lữ hành; tuyển được 348 sinh viên. Năm học 2019, trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho 2 ngành này lên 400 sinh viên, cùng với đó là duy trì ngành học Việt Nam học, Đông phương học.
Theo ông Huỳnh Công Tú, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Quy Nhơn, định hướng của nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch Bình Định nói riêng và khu vực miền Trung- Tây Nguyên trong tương lai. Nhà trường tổ chức liên kết các trung tâm đào tạo, các đơn vị hoạt động du lịch, tăng cơ hội cho sinh viên của trường tiếp cận thực tế, đảm bảo đầu ra.
THU DỊU