Nữ tình nguyện viên Hàn Quốc tại Trường Hy vọng
Ở Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, có 2 tình nguyện viên người Hàn Quốc đang đồng hành cùng các thầy cô giáo trong giảng dạy, chăm sóc học sinh khuyết tật. Câu chuyện về họ truyền thông điệp về tình hữu nghị quốc tế, về lựa chọn “sống khác” cho những điều tốt đẹp hơn.
Mỗi ngày đều vui
Chị Lee Munjoung (51 tuổi) đến Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn vào tháng 2.2018. Hơn một năm làm việc tại trường, vốn tiếng Việt của chị đã khá hơn hẳn so với thời điểm mới đến Việt Nam. Giờ học vần của các bạn nhỏ lớp 1B - lớp khó khăn về học, chị vừa học đánh vần cùng với các bạn nhỏ, vừa hỗ trợ cô giáo dạy các em ghép vần, tô màu các hình vẽ liên quan đến bài học. 14 học trò hí hoáy tô màu, đọc to rõ chữ vừa được học và thích thú khi được cô Lee đóng dấu chữ “tốt” (bằng tiếng Hàn Quốc) vào mỗi bức tranh đã hoàn thành.
Cô giáo Trần Thị Phương Yến, chủ nhiệm lớp 1B, kể: “Thời gian đầu, cô Lee và trò đều bỡ ngỡ bởi cô chưa rành tiếng Việt, chưa quen với cách làm việc ở đây. Nhưng giờ thì mọi thứ đều ổn. Tất cả các em đều thân thuộc, gắn bó với cô Lee. Cô cũng hỗ trợ nhiệt tình tôi trong các tiết dạy học vần, học toán, học tự nhiên xã hội”.
Chị Han Gyuhee bên học sinh khiếm thính trong giờ ăn trưa.
Trước khi sang Việt Nam, chị Lee là giáo viên dạy ngữ văn cho học sinh Hàn Quốc. Những ngày cuối tuần, chị còn đi dạy thêm, hỗ trợ cho các em nhỏ Hàn Quốc có hoàn cảnh thiệt thòi. “Mỗi lần nhìn các em nhỏ ở Trường Hy vọng, tôi vừa thương, vừa thấu hiểu cho nỗi lòng của bậc cha mẹ. Tôi cảm nhận rõ tình cảm của các em dành cho mình qua cái ôm, kéo tay. Ngày trước, ở Hàn Quốc, mỗi ngày lái xe đi làm, tôi thấy mọi thứ cứ bình thường. Bây giờ, hơn một năm ở Quy Nhơn, mỗi ngày đạp xe từ nơi ở đến trường, tôi thấy lòng vui vẻ”, chị Lee tâm sự.
Đến Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn chưa đầy nửa năm, chị Han Gyuhee (26 tuổi) hiện tham gia phụ giúp nhà bếp, hỗ trợ trẻ khiếm thính trong giờ ăn, giúp các em vệ sinh cá nhân... Trước đó, chị đã tham gia hỗ trợ tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Trị. Từng tham gia CLB ngôn ngữ ký hiệu trong trường học tại Hàn Quốc, Han có nhiều thuận lợi khi trò chuyện với trẻ khiếm thính tại trường. Han kể: “Công việc hiện tại có rất nhiều niềm vui. Tôi học được các món ăn của Việt Nam và vui hơn khi thấy mình hợp với khẩu vị của người Việt. Các bạn nhỏ dù không nói được nhưng lại có rất nhiều điều để kể cho tôi nghe. Tôi còn giúp cho 3 bạn khác học tiếng Anh”.
Ông Trần Gia Tín, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, nhận xét: “Tác phong làm việc khoa học, tinh thần nhiệt tình của 2 tình nguyện viên Hàn Quốc đã hỗ trợ cho các hoạt động của trường. Thông qua các tình nguyện viên, giáo viên và học sinh của trường cũng được giao lưu, tăng tính kết nối với bạn bè quốc tế”.
“Tôi lựa chọn”
Khi biết tuổi thật của chị Lee Munjoung, tôi vô cùng ngạc nhiên về phong thái trẻ trung lẫn tinh thần nhiệt huyết của chị. Lý giải cho lựa chọn đi đến một đất nước khác, giúp đỡ những con người xa lạ ở cái tuổi nhiều người chọn yên ổn, nghỉ ngơi, chị nói: “6 năm trước, con trai tôi tình nguyện sang Ecuador dạy Taekwondo. Lúc đó, tôi có chút xấu hổ với con. Tôi nghĩ mình cũng cần làm gì đó để giúp đỡ bạn bè ở các đất nước còn nhiều khó khăn. Ở Hàn Quốc, muốn đi tình nguyện phải có sự đồng ý của người nhà. Tôi rất mừng khi chồng ký vào đơn đồng ý cho tôi trở thành tình nguyện viên ở nước ngoài dù ông sẽ rất buồn và cô đơn khi tôi vắng nhà”.
Chị Lee Munjoung và học trò lớp 1B thích thú với những bức tranh đã hoàn thành.
Như một động thái ủng hộ tinh thần cho vợ, chồng chị Lee đã 4 lần sang Việt Nam, cùng vợ đi dạo Quy Nhơn, tham quan huyện Hoài Nhơn và các tỉnh Nha Trang, Phú Yên. Đặc biệt, ông đồng hành cùng vợ tặng học bổng cho 2 học trò, hỗ trợ 2 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 3 triệu đồng/tháng. Niềm vui khi được giúp đỡ người khác tiếp tục thôi thúc chị chuẩn bị các tài liệu để thuyết phục Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ các thiết bị, đồ đùng dạy học cho Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn trong thời gian đến.
Dù trẻ tuổi, Han Gyuhee đã có thời gian làm tình nguyện viên ở nhiều nước như: Campuchia, Hy Lạp, Maroc. Học về chuyên ngành xã hội, Han cho rằng hoạt động tình nguyện quốc tế là cách để cô mở rộng tầm mắt, học cách thích nghi, trưởng thành và cũng là cách để hiểu hơn về chính mình. Ở thời điểm này, cô đã hình dung ra được hoạt động mà mình sẽ tham gia khi trở về quê hương, đó là tham gia vào các trung tâm hỗ trợ phụ nữ nước ngoài kết hôn với người Hàn Quốc.
Khi tôi hỏi, có lúc nào chị thấy hối tiếc về khoảng thời gian ở các đất nước xa lạ trong khi bạn bè đang lập nghiệp tại quê nhà, Han lắc đầu. Chị tâm sự: “Đây là điều tôi lựa chọn nên chưa bao giờ thấy hối tiếc. Tôi chỉ cảm thấy có lỗi với bố mẹ khi mình ở tuổi này vẫn chưa thể giúp đỡ gia đình, một phần sinh hoạt phí vẫn phải nhờ bố mẹ. Tôi cũng cảm ơn bố mẹ vì đã ủng hộ lựa chọn của tôi mà gạt đi những lo lắng”.
NGUYỄN MUỘI