Nuôi mực ở Nhơn Châu
Ở Bình Ðịnh cũng như nhiều tỉnh miền Trung khác, chưa đâu nuôi mực thành công. Thế nên khi nghe ở Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) có người nuôi được, tôi phóng ra ngay.
Cha con ông Nguyễn Văn Trợ (58 tuổi, thôn Tây, xã Nhơn Châu) thử nghiệm nuôi mực trong lồng bè và đã thành công. Rất vất vả mới có thành quả này, nhưng cha con ông Trợ không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cho bà con Nhơn Châu và mọi người đã rủ nhau nuôi mực, tạo thành nghề mới có thu nhập cao.
Nghề mới
Cuối năm 2017, ông Trợ và con trai Nguyễn Xuân Hiển (29 tuổi) bàn nhau đi bắt mực con bám ở các dây neo đóng rêu xanh về nuôi thử nghiệm. Lúc đầu, hai cha con chỉ bắt khoảng 20 con mực con bằng đốt ngón tay út về bỏ vào bè nuôi. Anh Hiển kể: “Lúc đầu, nghe ba nói nuôi mực, tôi tưởng ổng nói giỡn, nhưng té ra là ổng suy nghĩ từ trước và tính toán nghiêm túc lắm. Tôi ngạc nhiên vô cùng nhưng rồi bị ba thuyết phục. Khi mực bắt về còn “ê mình” chúng bỏ ăn hết, 2 - 3 ngày sau vài con mới chịu ăn mồi, tôi cứ nghĩ chắc thất bại. Ba bảo chờ thêm. 10 ngày sau, cả bè mực sống khỏe re, ăn mồi tốt. Hai cha con mừng lắm”.
Anh Nguyễn Xuân Hiển kiểm tra các lồng mực.
Hai cha con ông Trợ cứ nghĩ tới đâu, làm tới đó, vừa mày mò làm vừa quan sát, nghiên cứu tập tính của loài mực. Hai cha con đi chặt lá cây chà là trên núi về bỏ trên mặt nước, cách bờ khoảng 200 - 300 m để dụ mực giống bơi lại núp mát. Rồi ông Trợ đầu tư gần 10 triệu đồng làm 3 cái bè (kích cỡ 3 m x 3 m) nuôi thử.
Biết chuyện nuôi mực, một số người cho rằng cha con ông Trợ đem tiền thả xuống biển. Nhưng do ngư dân đã nuôi được tôm hùm lồng nên phần đông cố gắng theo dõi, quan sát.
Mỗi ngày, anh Hiển cùng cha đi bắt mồi là các loại cá nhỏ về cho mực ăn vào sáng sớm và chiều tối. Vừa cho ăn, anh Hiển vừa quan sát xem lồng mực có gặp trục trặc để sửa hoặc dọn lồng sạch sẽ. Anh Hiển bảo: “Dù công việc có bận rộn gì cha con tôi cũng phải thay nhau cho ăn và theo dõi kỹ lồng mực. Mực ăn mồi tầng trên nên khi cho ăn phải thả mồi từ từ. Thức ăn nào rớt xuống đáy bè, tôi phải lặn vớt lên ngay chứ để lâu ngày gây thối lồng, mực sẽ chết. Đến lúc này có thể nói nuôi mực khá đơn giản vì chưa thấy bệnh dịch gì. Nhưng khâu chăm sóc, cho ăn, vệ sinh lồng bè phải làm thật chu đáo, kỹ lưỡng”.
Chỉ sau 6 tháng nuôi thử nghiệm, cha con ông Trợ đã nhân rộng thành 6 lồng bè. Mỗi lứa mực nuôi lồng khoảng 70 ngày, tỉ lệ sống sau khi thả giống đạt khoảng 80%. Mỗi lồng bè bình quân thu được từ 10 - 12 kg, thu nhập 3,5 - 4 triệu đồng. Hiện nay mực nuôi bè có giá 300 - 350 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người nuôi lãi hơn 10 triệu đồng/lứa/bè.
Ông Nguyễn Hạ Lào, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Châu, hồ hởi: “Cha con ông Trợ không giấu nghề nên từ giữa năm 2018, nghề nuôi mực ở đây bắt đầu nở rộ. Hiện toàn xã có 17 hộ nuôi mực với 36 lồng. Bước đầu, do số lượng nuôi còn ít và việc vệ sinh được các chủ lồng làm tốt nên chưa xảy ra dịch bệnh gì. Hiện nghề nuôi mực mang lại thu nhập chính cho một số gia đình nên sẽ được nhân rộng trong năm 2019. Do đó, chúng tôi cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh, tránh gây thiệt hại cho ngư dân”.
Giữ chân thanh niên ở lại đảo
Sau khi gia đình ông Trợ nuôi thử nghiệm mực thành công, anh Hiển rủ một số thanh niên ở đảo và truyền lại kỹ thuật nuôi mực cho họ. Hiển kể: “Lúc đó, tôi làm Phó Bí thư xã đoàn nên cũng phải tìm cách lôi kéo thanh niên chưa có việc làm ở lại đảo. Cứ bỏ vào bờ làm ăn hết thì riết đảo không có thanh niên, trai tráng. Tình làng nghĩa xóm bao đời nay không cho phép mình ích kỷ. Chỉ nghĩ thế thôi nên ai cần tôi cũng chỉ hết, không giấu giếm chút nào”.
Lời của anh Hiển được nhiều thanh niên trên đảo xác nhận, và nuôi mực thành công, điển hình như anh Nguyễn Trọng Danh (34 tuổi), Trần Văn Định (29 tuổi), Phan Minh Lanh (27 tuổi)... Riêng anh Lanh là cử nhân Sử, ra trường không xin được việc làm, phải đi làm thuê ở Đắk Lắk 2 - 3 năm, nghe chuyện nuôi mực bèn trở về quê. Anh Lanh tâm tình: “Lúc đó, kinh tế gia đình khó khăn, tôi được cha mẹ nuôi ăn học đàng hoàng mà làm ăn xa nhà không đỡ đần gì được cũng buồn lắm. Nhờ chú Trợ và anh Hiển tận tình chỉ nghề nuôi mực, tôi học theo. Hiện nay, tôi có 6 lồng nuôi, thu nhập ổn định và còn tìm được việc làm ở UBND xã nữa. Tôi rất mừng vì sau bao năm cố gắng, đã có việc làm và thu nhập ổn định”.
Khách du lịch tham quan và câu mực tại bè nuôi mực ở xã Nhơn Châu.
Toàn bộ số mực nuôi ở xã Nhơn Châu được các nhà nghỉ, quán ăn trên đảo bao tiêu với giá cao. Một số công ty du lịch trong tỉnh cũng đưa ra ý tưởng về tour câu mực trên biển với giá 500 ngàn đồng/kg mực câu được, nhưng việc có nhiều người lên bè có thể khiến mực sợ, sẽ phun hết mực, hoặc khách câu trượt làm rách túi mực thì mực chết. Nhưng xét thấy đó là ý tưởng hay, cha con ông Trợ đang tính toán để liên kết, tạo chuỗi bè nuôi mực phục vụ riêng cho khách du lịch. Như vậy sẽ dễ quản lý, chăm sóc, thu hoạch.
Ông Trợ chia sẻ: Trước đây, thanh niên cứ rời đảo đi làm ăn xa. Du lịch phát triển, thanh niên dần trở về nhưng ít vì công việc không ổn định, bấp bênh. Khi cơn bão số 12 năm 2018 đi qua, các bè nuôi mực không bị ảnh hưởng gì, nhiều gia đình thuyết phục con cháu trở về vừa làm du lịch, vừa nuôi mực. Nghề mới mở ra, thu nhập tốt, đầu ra ổn định, chắc sẽ giảm số thanh niên rời đảo, xa gia đình. Đảo có đông thanh niên, không khí chộn rộn cũng vui hơn trước rất nhiều.
HẢI YẾN