Vĩnh Hội làng biển yên bình
Nép mình dưới chân núi, ngày đêm nghe sóng vỗ rì rào, làng biển Vĩnh Hội ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát mê đắm lòng người bằng vẻ đẹp thanh bình, giản dị.
Vĩnh Hội là một làng quê bình yên có núi, có biển, có cả đồng. Ở đó, có những nếp nhà nhỏ, trước sân có những giàn bông giấy vào độ nở hoa rực rỡ, hay một góc đường bung nở những cánh hoa mười giờ, hoa bướm vàng nhỏ xinh…
Núi đẹp, biển đẹp, đồng đẹp…
Tôi đến Vĩnh Hội một chiều cuối tháng 3, nắng đã vàng, hoa đã nở và đồng lúa vào mùa gặt. Từ đỉnh đèo Vĩnh Hội (người dân trong thôn vẫn gọi là đèo Một hay đèo Sậy), làng quê dưới chân đèo nằm gọn trong tầm mắt, bên này là ngọn núi Bà cao ngất, bên kia là bờ biển phẳng trải dài theo mép sóng.
Vĩnh Hội nhìn từ trên đèo là một ngôi làng nhỏ nằm giữa núi và biển.
Tôi trở đi trở lại Vĩnh Hội khá nhiều nên trở thành “khách quen” của một vài hộ dân trong xóm. Nhưng ngay cả khi bạn là khách lạ, chuyện tìm một người dẫn đường ở Vĩnh Hội không quá khó.
Tôi muốn loanh quanh trong thôn, dạo qua những cánh đồng, để ngắm đất và người Vĩnh Hội. Đề nghị của tôi lập tức nhận được cái gật đầu của người bạn nhỏ. Cô nói với tôi rằng, làng quê đang vào mùa gặt, lúa chín vàng ươm; Vĩnh Hội mùa này cũng là mùa của hành, của đậu phụng lên xanh. Chiều quê rộn rã trên những cánh đồng với tiếng nói, tiếng cười của người nông dân; chiều quê êm ả trong tiếng đọc ê a của con trẻ, tiếng cười đùa khi tan học về nhà… Nếu bạn bị thôi thúc bởi những khuôn hình đẹp đẽ thanh bình của làng quê, hãy lên đường đi. Mùa này Vĩnh Hội đang rất đẹp!
Đến Vĩnh Hội bạn sẽ thấy những ruộng đậu phụng, ruộng hành trồng trên đất pha cát, người dân sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm để sản xuất hiệu quả.
Dắt tôi qua những cánh đồng, rồi dong về phía biển, bất chợt người bạn dẫn đường kể tôi nghe, rằng Vĩnh Hội không chỉ đẹp bởi núi, biển, đồng mà còn bởi nơi đây là quê hương gốc tích của vị anh hùng chống Pháp Nguyễn Trung Trực - người đốt cháy tàu Hy Vọng của thực dân Pháp.
Dọc miền biển vắng
Trời chiều ngả bóng. Chúng tôi dắt nhau đi về biển. Biển Vĩnh Hội hoang sơ với bờ cát dài, phẳng, thoai thoải. Đặc thù bãi ngang, biển không có những con thuyền lớn phía khơi xa, song lại có những chiếc thuyền thúng, sõng nhỏ xếp dài trên bờ cát. Những ghềnh đá nhấp nhô đã phủ đầy rêu xanh.
Mùa rêu trên biển Vĩnh Hội.
Sải bước trên cát, tôi nghe bạn kể, rằng phía kia ghềnh đá, ngày trước là Lăng Ông Nam Hải uy nghi, nơi người dân tổ chức lễ cầu ngư hàng năm. Trải qua thăng trầm, chiến tranh, Lăng Ông Nam Hải bị đánh sập, nay được dựng lại trên nền móng cũ nhưng nhỏ hơn, và không còn lưu giữ được những kiến trúc độc đáo của làng biển. Chúng tôi ngồi trên ghềnh đá, ngâm chân mình trong làn nước biển mát rượi, nhìn ra phía ngoài khơi là những tầng, lớp sóng bạc đầu xô đuổi nhau, mang vào bờ cát những vỏ ốc, vỏ sò lấp lánh.
Biển Vĩnh Hội được bao bọc giữa hai ngọn đèo, ghềnh bên này có Lăng Ông Nam Hải, ghềnh bên kia là Di tích lịch sử Hòn Đụn. Từ ghềnh bên này đi hết bãi cát dài, men theo đường mòn nhỏ len qua những dãy đá, cây cỏ là đường tới di tích.
Như lời của bạn, biển vắng, hoang sơ nhưng lòng người Vĩnh Hội thì hào sảng. Khách cứ thoải mái tới biển dạo chơi, tới ghềnh đá ngắm cảnh, chỉ xin ý thức giữ gìn vẻ đẹp chung của vùng đất này, vậy là đủ.
Từ TP Quy Nhơn đi về Vĩnh Hội theo trục đường biển Nhơn Hội-Tam Quan, khoảng 25 km. 18 km đầu tiên tính từ Nhơn Hội tới địa phận xã Cát Tiến dễ di chuyển. Song từ địa phận thôn Phương Phi (xã Cát Tiến) tới thôn Vĩnh Hội (Cát Hải) chừng 7 km sẽ là cung đường đèo dốc, do đó du khách phải lưu ý cẩn thận khi di chuyển.
THU DỊU