Công tác phòng cháy, chữa cháy tại các doanh nghiệp: Nơi chú trọng, chỗ lơ là
Ðây là kết quả đánh giá của Ðoàn ÐBQH tỉnh sau khi tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy tại 3 DN, gồm: Công ty CP Ðầu tư An Phát, Công ty TNHH MTV Nhật Nam Hưng và Công ty TNHH Trường Sơn.
“DN còn chủ quan”
Công ty TNHH MTV Nhật Nam Hưng đóng tại KCN Long Mỹ (xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn) là một ví dụ. 5 phân xưởng của DN này tọa lạc trên khu đất có diện tích 8 ha, với khoảng 500 lao động làm việc trong môi trường có vật liệu dễ cháy như bàn, ghế nhựa giả mây. Thế nhưng, DN lại không hề trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy. Bình chữa cháy bố trí ở các nhà xưởng chỉ mang tính hình thức khi công nhân không biết sử dụng. Hệ thống vòi phun nước chữa cháy không hoạt động. Phương án bố trí, sắp xếp vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa thành phẩm ở các nhà xưởng lộn xộn, không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng ngừa cháy nổ. Hệ thống dây điện trong nhà xưởng khá bừa bộn, nằm gần khu vực công nhân gò, hàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố…
Đội PCCC và Cứu nạn, cứu hộ tại Công ty TNHH Trường Sơn sử dụng khá thành thục kỹ năng sử dụng thiết bị, phương tiện PCCC tại chỗ.
Tham gia đoàn giám sát, đại tá Võ Quang Cát, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (CA tỉnh), cho biết: “Công ty chưa quan tâm đầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị, phương tiện chữa cháy ở các nhà xưởng. Hệ thống nước chữa cháy và lực lượng chữa cháy tại cơ sở chưa đảm bảo yêu cầu”.
Lý giải cho những thiếu sót trong công tác PCCC tại công ty, ông Đặng Duy Sơn, cán bộ Công ty TNHH MTV Nhật Nam Hưng, bày tỏ: “DN chỉ biết làm kinh doanh; còn về PCCC thì DN tuy có đầu tư, song không tránh khỏi thiếu sót. Trường hợp cháy có xảy ra thì lực lượng chuyên nghiệp còn chữa không được chứ nói gì DN nghiệp dư như chúng tôi (!?)”.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đã chỉ ra những tồn tại, thiếu sót của công ty trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC mà Nhà nước đã ban hành. “Thời gian tới, Công ty cần tập trung thực hiện nghiêm túc công tác PCCC, trong đó, lắp đặt hoàn chỉnh các thiết bị PCCC, hệ thống cảnh báo cháy, thành lập đội PCCC tại cơ sở và phối hợp với các ngành chức năng xây dựng phương án PCCC cụ thể theo đúng quy định, nhằm phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của DN và người lao động khi có hỏa hoạn xảy ra”, bà Hạnh đề nghị.
“PCCC là bảo vệ cho DN và người lao động”
Ông Lý Phước Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư An Phát và ông Bùi Đắc Tính, Giám đốc Công ty TNHH Trường Sơn cùng nhận định: “PCCC là bảo vệ tính mạng, tài sản cho DN và người lao động”. Đây là 2 đơn vị được các thành viên giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá đã thực hiện, chấp hành khá tốt công tác PCCC trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Công ty CP Đầu tư An Phát (đóng tại CCN Tam Quan, huyện Hoài Nhơn) là DN chuyên gia công sản xuất hàng may mặc với chất liệu “nhạy cảm” với cháy như vải. Hơn nữa, bên trong nhà xưởng luôn có nhiều máy móc, thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn. Do đó, công tác đảm bảo an toàn về PCCC, thoát hiểm, thoát nạn luôn được ban lãnh đạo công ty quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Hiện nay, đơn vị này đã trang bị 300 bình chữa cháy xách tay, 5 hệ thống báo cháy tự động, 3 hệ thống chữa cháy bán tự động với 3 máy bơm nước, 3 mô tơ điện và 3 hồ chứa nước chữa cháy (120 m3/hồ). Các thiết bị, phương tiện PCCC tại DN hoạt động khá hiệu quả. Hằng năm, DN phối hợp với đơn vị chức năng đo kiểm tiếp địa chống sét hệ thống nhà xưởng; hệ thống an toàn điện theo quy định.
“Hầu hết, các mặt hàng sản xuất để xuất khẩu hoặc gia công cho các thương hiệu lớn, các DN đều phải đảm bảo rất nhiều yêu cầu từ phía đối tác, trong đó có PCCC. Song thực tế, có DN lại lơ là trong công tác này”.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh, Trưởng đoàn giám sát.
Công ty TNHH Trường Sơn (KCN Phú Tài), chuyên sản xuất các mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu nên cũng rất dễ xảy ra cháy nổ. Do đó, công tác PCCC tại Công ty rất được quan tâm, đã thành lập được Đội PCCC và Cứu nạn, cứu hộ tại chỗ với 25 thành viên. Tất cả đều thành thục các thao tác, kỹ năng về sử dụng trang thiết bị, phương tiện PCCC. Hệ thống trang thiết bị PCCC tại các nhà xưởng được lắp đặt khá hoàn chỉnh, đảm bảo công năng hoạt động. Chẳng hạn như công ty lắp đặt một bồn chứa nước dự trữ thường xuyên trên 55.000 lít nước, kết hợp với hệ thống nước sinh hoạt của nhà máy với trữ lượng lớn để phục vụ cho công tác ứng cứu, PCCC tại chỗ; đồng thời, niêm yết tiêu lệnh, nội quy PCCC tại các nhà xưởng, lắp đặt các biển cảnh báo cấm hút thuốc, cấm lửa, nguy hiểm. Nhờ ý thức và chấp hành tốt các quy định của pháp luật về PCCC nên từ năm 2014 đến nay, đơn vị không để xảy ra các vụ việc cháy nổ gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản.
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các DN trong công tác PCCC; đồng thời, đề nghị lãnh đạo DN tiếp tục tăng cường tuyên truyền công tác PCCC đến người lao động của đơn vị, tăng cường công tác tự kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng các thiết bị PCCC, có cơ chế phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm phòng ngừa các nguy cơ cháy nổ.
TRỌNG LỢI