Hệ thống kênh tưới hồ Cẩn Hậu (xã Hoài Sơn, Hoài Nhơn): Hoạt động không hiệu quả
Nhiều đoạn mương thủy lợi nội đồng thuộc hệ thống kênh tưới hồ Cẩn Hậu, xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) bị bỏ hoang hoặc hoạt động kém hiệu quả, gây khó khăn đến việc sản xuất nông nghiệp cho địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Út, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn, hệ thống kênh tưới hồ Cẩn Hậu được đầu tư xây dựng vào năm 2012. Thế nhưng, một số đoạn, tuyến kênh sau khi đưa vào sử dụng như N1 (thôn Cẩn Hậu), N2 (thôn Tường Sơn Nam), N3 (thôn Hy Văn và Tường Sơn) không dẫn được nước phục vụ tưới tiêu, gây lãng phí.
Chỗ cao, nơi quá thấp
Đơn cử như đoạn kênh N1 được thiết kế tưới cho 14 ha đất sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là cây lúa) ở thôn Cẩn Hậu, nhưng không thể dẫn nước do thi công quá cao. Ông Nguyễn Văn Út bức xúc nói: “Đoạn kênh này dài khoảng 250 m bị bỏ hoang từ ngày hoàn thành cho đến nay. Do vậy, 10 ha đất nông nghiệp của bà con thường xuyên rơi vào cảnh không có nước để tưới. Nông dân ở đây chỉ có thể sản xuất được 1 vụ lúa Đông Xuân, 2 vụ còn lại phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng”.
Kênh mương nội đồng N1 đoạn qua thôn Cẩn Hậu được thiết kế, thi công trên nền đất cao nên không dẫn được nước.
Trong khi đó, đoạn kênh N2 dài chừng 200 m nhưng thấp gần 0,5 m so với mặt ruộng cánh đồng Bông Súng. Người dân không lấy nước đưa vào ruộng được. Sau thời gian bỏ hoang, đoạn kênh này đã bị bùn đất bồi lấp, cỏ dại mọc um tùm. Ông Nguyễn Văn Hiền, hộ dân ở thôn Tường Sơn Nam, xót xa khi nhìn cảnh kênh mương nội đồng N2 “trùm mền”, trong khi nông dân phải đóng giếng chắt chiu từng giọt nước để tưới cho cây trồng. “Lúc triển khai, bà con đã lên tiếng cảnh báo, song đơn vị thi công không tiếp thu và cho rằng công trình làm theo thiết kế do chủ đầu tư phê duyệt. Đến khi làm xong, kênh không dẫn được nước, song lạ lùng cơ quan chức năng vẫn tiến hành nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng”, ông Hiền bất bình.
Kênh N2 nhiều đoạn thành kênh thấp so với mặt ruộng, người dân không lấy được nước. Sau thời gian bỏ hoang, đoạn kênh bị đất cát bồi lấp, cỏ dại mọc um tùm.
Ngoài ra, kênh mương thủy lợi N7 trước ngõ Binh (dài 1.907 m, ở thôn Tường Sơn) cản dòng nước nên vào mùa mưa nước trong khu dân cư không thoát kịp, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, kênh chính Bắc (thôn Túy Thạnh) dài khoảng 2.000 m, song đoạn cuối kênh thấp nên nước hay tràn qua thành kênh; đặc biệt nước thường không thoát kịp khi có lũ lớn.
Sớm có biện pháp khắc phục
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Nam Hà, Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn, cho rằng nhiều đoạn kênh mương thủy lợi nội đồng đầu tư, song không dẫn được nước vừa gây lãng phí, vừa gây khó khăn đến việc sản xuất lúa cho bà con vùng được hưởng lợi. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã có văn bản kiến nghị đến đơn vị quản lý cần sớm có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên đến nay, kiến nghị này vẫn chưa được giải quyết.
Về vấn đề này, ông Lê Quang Hoàng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi 1 (đơn vị tiếp nhận, quản lý vận hành hệ thống kênh tưới hồ Cẩn Hậu), cho rằng: “Sở NN&PTNT là đơn vị chủ đầu tư dự án. Xí nghiệp chỉ tiếp nhận, vận hành. Tuy nhiên, qua tiếp nhận và sử dụng tuyến kênh này chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm bất cập xảy ra tại kênh chính Bắc, N1, N2, N3 và N7 như thành kênh bị tràn nước, mặt ruộng cao hoặc thấp hơn thành kênh khiến việc tải, dẫn nước gặp khó khăn. Xí nghiệp đã kiểm tra, báo cáo kiến nghị cho lãnh đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương khắc phục”.
TRỌNG LỢI