Lại cảnh báo nghiêm trọng về tự tử, buôn người trên Youtube trẻ em
Vụ clip “Trò chơi tự sát” Momo Challenge được cho là quay trở lại trên YouTube khiến cho dư luận chưa hết lo lắng trong thời gian qua. Mới đây, theo trang The Next Web, một bác sĩ nhi khoa tên Free Hess đã tiếp tục đưa ra cảnh báo các đoạn clip tự tử, buôn người được nhúng vào một số nội dung trên YouTube Kids.
Ảnh minh họa
Ngăn trẻ bị “bạo hành offline” đã khó…
Theo các chuyên gia, tình trạng bạo hành trẻ em hiện chủ yếu chia ra ở hai phương thức. Phương thức thứ nhất là trẻ bị “bạo hành offline”, tức bị đánh đập, hành hạ, đối xử tệ; quấy rối, xâm hại tình dục.v.v… từ người lớn. Phương thức thứ hai là “bạo hành online” qua các nội dung trên Internet.
Hiện trạng trẻ bị “bạo hành offline” tại Việt Nam mới đây được thể hiện qua những con số tổng kết rất đáng báo động. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Quốc gia về trẻ em, năm 2018, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 đã tư vấn cho 27.407 trường hợp, hỗ trợ và can thiệp 806 trường hợp.
Tuy nhiên, những vụ việc nghiêm trọng, nổi cộm, phức tạp thường mới phản ánh về Tổng đài 111, còn lại đa phần thông tin được phát hiện và thông báo tại địa phương. Các chuyên gia cho rằng, vì thiếu sự phối hợp đồng bộ trong việc phòng ngừa, hỗ trợ vì thế nhiều trường hợp đã trở nên nổi cộm, gây bức xúc thì các bên liên quan mới tập trung can thiệp và xử lí.
Hiện trạng trẻ em bị “bạo hành offline” trong năm 2018 đa phần tập trung vào tình trạng bị xâm hại tình dục, chiếm đến 80% tổng số vụ. Cụ thể, 1.356 vụ với việc phát hiện 1.479 đối tượng xâm hại 1.358 trẻ em, trong đó 1.087 vụ xâm hại tình dục.
Càng không dễ ngăn trẻ bị “bạo hành online”
Quay trở lại cảnh báo từ vị bác sĩ nhi khoa Hess, một nội dung là đoạn clip chỉ khoảng 10 giây, xen trong nội dung game thân thiện Spatoon. Nhân vật trong 10 giây hình ảnh ngắn ngủi ấy là một người đàn ông lạnh lùng hướng dẫn trẻ cách hữu hiệu nhất tự rạch cổ tay.
Cũng vị bác sĩ này chỉ ra rằng, có video còn chứa nội dung buôn người, sau khi nhân vật nữ bị mua dường như đã bị đánh bầm dập.
Anh T, một người hay lướt trên YouTube còn chỉ ra một video chuyên cho trẻ em, trong đó là cảnh lái xe cán qua người và cố tông sập các vật cản.v.v…, một cách ngấm ngầm “truyền dịch” vào trẻ con tính ác trong khi con người sinh ra được cho rằng “nhân chi sơ, tính bổn thiện”.
Những nội dung độc hại như vậy, là một cách gián tiếp “bạo hành online” đối với trẻ em. Có những nội dung có thể tác động trực tiếp, hoặc dần dần ngấm vào trẻ, dẫn đến hậu quả khó lường…
Song sự kiểm soát và loại bỏ những nội dung độc hại, rõ ràng không hề đơn giản vì chúng được nhúng, xen vào giữa các game, clip cho thiếu nhi với trường đoạn ngắn nhằm dễ qua mặt bộ phận kiểm duyệt của YouTube.
Chính vì thế, “ông lớn” mạng xã hội video này phải dựa rất nhiều vào tính năng gắn cờ cảnh báo xấu từ phía người xem, nhưng đó cũng chỉ là biện pháp khi chuyện đã rồi, hoặc “mất bò mới lo làm chuồng”.
Theo Dạ Thảo/laodong.vn