Mọi gian lận thi cử chắc chắn sẽ bị phát hiện
Từ sự cố gian lận thi cử năm 2018 ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GĐ-ĐT) đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT áp dụng cho năm 2019 với mục tiêu ngăn chặn mọi sai phạm. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) trao đổi với Phóng viên Báo SGGP về vấn đề này.
- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, qua vụ gian lận thi cử gây rúng động vừa qua ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Bộ GD-ĐT đã quyết liệt đưa ra các quy định nhằm hạn chế tiêu cực thi cử trong kỳ thi 2019. Điều đó thể hiện quyết tâm của bộ trong việc ngăn chặn tiêu cực?
>> Ông MAI VĂN TRINH: Qua sự việc ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, có thể khẳng định quyết tâm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Bộ trưởng Bộ Công an cũng như cả xã hội là không bao giờ chấp nhận gian lận thi cử. Tất cả mọi gian lận sẽ được điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm, không có vùng cấm.
Tôi muốn nhấn mạnh sự can thiệp làm sai lệch kết quả thi là rất nghiêm trọng và người chịu thiệt thòi đầu tiên chính là những thí sinh này. Những thí sinh gian lận đều sẽ phải thôi học theo quy chế. Tới đây, ngành công an, viện kiểm sát, với chức năng nhiệm vụ của mình sẽ tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý những đối tượng liên quan theo đúng quy định của pháp luật. Qua sự việc xử lý những gian lận thi cử của các hội đồng thi Sở GD-ĐT Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, chúng ta thấy rõ là, tất cả những sai phạm trong thi cử, dù bằng bất kỳ hình thức nào, có âm mưu tổ chức kỹ càng đến đâu, sử dụng thiết bị hiện đại đến mấy cũng sẽ bị phát hiện, xử lý nghiêm.
- Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BGDĐT. Theo ông, những thay đổi này liệu có ngăn chặn được gian lận?
Quy chế thi năm nay đã điều chỉnh rất nhiều về mặt kỹ thuật để hạn chế tối đa sự can thiệp của con người trong ý đồ làm thay đổi kết quả thi. Đầu tiên là điều chỉnh thí sinh tự do. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên được bố trí dự thi chung với thí sinh học chương trình giáo dục THPT là học sinh lớp 12. Điều này để ngăn ngừa việc gian lận có thể xảy ra như dư luận đã nghi ngại ở hội đồng thi Lạng Sơn năm 2018 vừa qua.
Cùng với đó, Bộ GD-ĐT đã tăng biện pháp an toàn cho đề thi, bài thi. Cụ thể, đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải được khóa và niêm phong. Nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của trưởng điểm thi và phó trưởng điểm thi là người của trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) phối hợp, chìa khóa do trưởng điểm thi giữ. Khi mở niêm phong phải có chứng kiến của công an và những người ký nhãn niêm phong, đồng thời lập biên bản ghi rõ thời gian mở, lý do mở, tình trạng niêm phong; biên bản phải có đủ họ và tên, chữ ký của trưởng điểm thi và những người chứng kiến.
Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày. Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày; có công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và một cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường ĐH-CĐ (phó trưởng điểm thi hoặc thư ký) thường trực đêm tại phòng trong thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi. Phòng chứa bài thi, tủ, thùng hoặc các vật dụng đựng bài thi phải được khóa và niêm phong, trên nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của người giữ chìa khóa và thanh tra. Chìa khóa cửa các phòng chứa bài thi do trưởng ban chấm thi (trắc nghiệm, tự luận) giữ; chìa khóa của tủ, thùng hoặc các vật dụng đựng bài thi tự luận do một thư ký hội đồng thi làm nhiệm vụ tại ban chấm thi tự luận giữ…
Quy chế thi năm 2019 đã tính đến tất cả các giải pháp kỹ thuật để hạn chế tối đa việc xâm phạm, can thiệp lên bài thi của thí sinh.
- Vậy còn việc chấm thi thì sao, thưa ông?
Sai phạm kỳ thi năm 2018 diễn ra chủ yếu trong khâu quản lý bài thi trắc nghiệm, khi giao trách nhiệm nhiều cho địa phương. Để hạn chế, năm nay Bộ GD-ĐT giao cho các trường ĐH, CĐ chủ trì, tổ chức chấm thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Còn Bộ GD-ĐT thực hiện thanh tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của ban chấm thi trắc nghiệm. Chúng tôi đã quy định rất rõ, trưởng ban chấm thi trắc nghiệm do lãnh đạo trường ĐH, CĐ đảm nhiệm. Phó trưởng ban chấm thi trắc nghiệm cũng do lãnh đạo các phòng, ban thuộc trường ĐH, CĐ đảm nhiệm. Tổ trưởng tổ thư ký do một phó trưởng ban kiêm nhiệm, các thành viên là cán bộ, giảng viên của trường ĐH, CĐ. Tổ trưởng tổ chấm bài thi trắc nghiệm là phó trưởng ban chấm thi trắc nghiệm thường trực; tổ giám sát gồm ít nhất 3 người đều phải là người của trường ĐH, CĐ…
Như vậy, năm nay hầu như các thành viên tham gia chấm thi, giám sát quá trình chấm thi trắc nghiệm đều do trường ĐH, CĐ chủ trì, không có cán bộ của Sở GD-ĐT địa phương, nơi có bài thi được chấm. Điều này sẽ hạn chế tối đa việc can thiệp để sửa điểm cho thí sinh địa phương mình. Mặt khác, phần mềm chấm thi có cải tiến hết sức căn bản. Toàn bộ dữ liệu chấm thi trắc nghiệm đều được mã hóa. Những dữ liệu này chỉ có công cụ của phần mềm đi kèm mới đọc được. Mọi can thiệp lên quá trình chấm thi trắc nghiệm đều được lưu vết trong phần mềm và chỉ người có trách nhiệm mới có thể mở. Phiếu trả lời trắc nghiệm được đánh phách điện tử...
Có thể khẳng định, sự cố gian lận thi cử năm 2018 đã giúp chúng ta nhìn nhận, đánh giá được mọi vấn đề để lường trước được những gian lận có thể xảy ra. Do đó, quy chế thi THPT quốc gia 2019 đã được điều chỉnh một cách toàn diện ở các khâu.
- Thưa ông, quy chế thi dù toàn diện đến đâu nhưng vấn đề quan trọng vẫn là con người. Nếu con người chủ tâm gian lận thì gian lận hoàn toàn có thể xảy ra. Vậy Bộ GD-ĐT chú trọng ra sao đến vấn đề này trong kỳ thi 2019?
Cần xác định, thành bại của mỗi kỳ thi tại mỗi địa phương thì trách nhiệm cao nhất, trực tiếp phải là địa phương đó. Trên tinh thần như vậy, các địa phương chuẩn bị các điều kiện tốt nhất có thể cho kỳ thi này. Năm nay, khâu tập huấn cả về kỹ thuật và nghiệp vụ được Bộ GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để làm kỹ ngay từ đầu, theo cách cầm tay chỉ việc, bảo đảm các khâu, các bước thực hiện tốt nhất có thể.
Dĩ nhiên, mọi gian lận đều xuất phát từ con người. Chúng ta có thể giám sát, siết chặt việc quản lý với một vài cá nhân làm công tác coi thi, chấm thi. Nhưng khi một tập thể, một ê kíp muốn làm sai, cố tình làm sai thì rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT, Bộ Công an muốn gửi thông điệp một cách nghiêm khắc, mạnh mẽ tới phụ huynh, thí sinh chuẩn bị tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và đặc biệt là tới các thầy cô giáo, các cán bộ tham gia kỳ thi THPT quốc gia tới đây phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Các em học sinh cố gắng học, ôn tập để đạt kết quả cao nhất, xứng đáng với công sức học tập của mình, tuyệt đối đừng nghĩ đến việc gian lận, vì chắc chắn sẽ bị phát hiện và xử lý nghiêm.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo Lâm Nguyên (SGGP)