Bảo tồn Thập bát ban binh khí võ cổ truyền Bình Ðịnh:
Nhìn từ một đề tài nghiên cứu
Vừa qua, Hội đồng khoa học chuyên ngành tỉnh đã tổ chức nghiệm thu, xếp loại A đề tài Nghiên cứu phục hồi Thập bát ban binh khí võ cổ truyền Bình Ðịnh do Sở VH-TT&DL thực hiện. Ðề tài đã đặt ra nhiều vấn đề trong việc bảo tồn những giá trị độc đáo của di sản võ cổ truyền.
Một công trình công phu
Những người thực hiện đề tài Nghiên cứu phục hồi Thập bát ban binh khí võ cổ truyền Bình Định đã dồn tâm huyết đi thực tế, sưu tầm, nghiên cứu về các đòn thế võ trong binh khí, những bài thiệu đang dần mai một… Sau hai năm rưỡi thực hiện, đề tài đã hoàn thành với 2 sản phẩm là phim tư liệu và báo cáo khoa học.
Phim tư liệu có thời lượng 80 phút, giới thiệu 37 bài binh khí của Thập bát ban binh khí, gồm: côn (gậy), đao, thương, kiếm, bồ cào, xà mâu, thiết lĩnh, kích, giáo, lăng khiên, cung tên, đinh ba, thái long câu, dây xích, dải lụa đào, giản, búa (phủ), chùy. Ông Nguyễn An Pha, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: “Chúng tôi đã mời các lão võ sư từ 70 tuổi trở lên, các võ sư ở độ tuổi trung niên, các võ sư và võ nhân trẻ tuổi biểu diễn, để thể hiện sự đa dạng, tiếp nối các thế hệ. Mỗi ban binh khí giới thiệu trong phim nhiều nhất có 7 bài thảo và ít nhất là 1 bài thảo. Mỗi bài thảo đều có bài thiệu kèm theo để minh họa và thể hiện rõ nét độc đáo của võ cổ truyền Bình Định”.
Báo cáo khoa học của đề tài được thực hiện bài bản, chia thành 3 chương: quá trình hình thành và phát triển của Thập bát ban binh khí qua những cột mốc cụ thể từ trước thời Tây Sơn đến nay; hệ thống các loại hình bài thiệu, cơ cấu, không gian văn hóa Thập bát ban binh khí và một số môn phái tiêu biểu ở Bình Định đang nắm giữ nhiều loại hình binh khí võ cổ truyền; đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Thập bát ban binh khí.
Ngoài ra, báo cáo khoa học còn giới thiệu hình ảnh các võ nhân, võ sư biểu diễn một số thế võ tiêu biểu trong Thập bát ban binh khí và một số toa thuốc võ sưu tầm được từ các võ sư võ nhân Bình Định.
Để phát huy giá trị của Thập bát ban binh khí
Phim tư liệu của đề tài được thực hiện công phu, có sự tham gia của nhiều võ sư, võ nhân nổi tiếng. Vì vậy, có thể biên tập lại với thời lượng phù hợp, nâng cao hơn tính nghệ thuật về hình ảnh, hiệu ứng âm thanh để thành một đĩa phim giới thiệu về thập bát ban binh khí. Đĩa phim này nếu làm được sẽ là một sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Bình Định.
Báo cáo khoa học của đề tài cũng cần được bổ sung thêm nếu tính đến việc xuất bản phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu, quảng bá cho di sản võ cổ truyền Bình Định. Báo cáo khoa học này cũng đã tạo những cơ sở để nghiên cứu, biên soạn một giáo trình về lý thuyết và thực hành Thập bát ban binh khí để đưa vào dạy tại các lớp võ cổ truyền.
Ông Nguyễn An Pha tâm sự: “Khi thực hiện đề tài nghiên cứu, chúng tôi có chung nỗi lo khi thấy chỉ còn võ sư Phan Thọ biết biểu diễn độc giản và xà mâu, võ sư Nguyễn Trá biết biểu diễn thiết lĩnh và song giản, võ sư Phạm Thi biết biểu diễn dải lụa đào và thái long câu. Thế nhưng, võ sư Phạm Thi đã mất đi, các võ sư Phan Thọ, Nguyễn Trá đều đã trên dưới 90 tuổi”.
Thực tế cho thấy, việc truyền dạy của các võ sư cho các thế hệ tiếp nối gìn giữ nhiều binh khí trong Thập bát ban binh khí là rất hạn chế, nếu không có kế hoạch bảo tồn thì các võ sư “mang theo khi đi xa” là điều không thể tránh khỏi. “Các võ đường hiện nay chủ yếu chỉ truyền dạy học trò những bài côn, đao, thương, kiếm nằm trong 10 bài quy định của võ cổ truyền Việt Nam. Cần khuyến khích luyện tập thêm nhiều môn binh khí khác trong Thập bát ban binh khí”, võ sư Lê Xuân Cảnh - phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn - bày tỏ.
Để bảo tồn giá trị của Thập bát ban binh khí, đề tài cũng đề xuất cần phải có một đề án quy hoạch, phát huy từng môn binh khí gắn với từng võ đường để hệ thống hóa, phát huy thế mạnh từng loại hình, môn binh khí. Đồng thời, chọn lọc một số võ đường tiêu biểu, có đầy đủ tiêu chí để đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện luyện tập, biểu diễn Thập bát ban binh khí phục vụ du lịch. Chuẩn võ sư Hồ Sỹ, ở xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, bộc bạch: “Võ đường Hồ Sừng của gia đình tôi đang phấn khởi đón nhận sự quan tâm đầu tư của nhà nước để bảo tồn võ cổ truyền gắn với phục vụ du lịch. Khi đã có cơ sở vật chất bài bản hơn, ngoài những bài binh khí tiêu biểu của võ đường, chúng tôi sẽ cố gắng luyện tập cho đầy đủ Thập bát ban binh khí để giới thiệu với du khách nét độc đáo của võ cổ truyền Bình Định”.
HOÀI THU