Sẽ xử lý nghiêm doanh nghiệp nợ tiền ký quỹ môi trường
Ông Mai Khoa
Thời gian qua, nhiều DN khai thác khoáng sản nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, thậm chí một số còn dây dưa, chây ì... Ðiều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh, mà còn tác động xấu đến công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác... Báo Bình Ðịnh đã có cuộc trao đổi với ông Mai Khoa, Phó giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh về vấn đề này.
● Xin ông cho biết hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh thời gian qua?
- Quỹ Bảo vệ môi trường (BVMT) tỉnh là tổ chức tài chính Nhà nước trực thuộc UBND tỉnh, có chức năng tiếp nhận các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; các nguồn tài trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời Quỹ thực hiện nhiệm vụ quản lý, theo dõi việc ký quỹ cải tạo - phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS).
Quỹ hiện quản lý dữ liệu của 164 tổ chức, cá nhân KTKS, với 265 mỏ các loại. Trong đó, có 124 mỏ còn hạn khai thác (51 mỏ đá vật liệu xây dựng, 57 mỏ cát, 12 mỏ đất các loại, 2 mỏ titan…), 141 mỏ đã hết hạn và ngừng khai thác… Đặc biệt, ngoài 10 tỉ đồng vốn điều lệ, đến nay số tiền ký quỹ do Quỹ BVMT tỉnh quản lý đã tăng lên gần 92 tỉ đồng.
● Vậy còn những tồn tại, khó khăn thì sao?
- Tuy đạt được một số kết quả, song Quỹ cũng gặp một số khó khăn, trong đó trở ngại lớn nhất là việc thu tiền ký quỹ cải tạo - phục hồi môi trường. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân KTKS không nộp tiền ký quỹ.
Tính đến ngày 31.12.2018 số tiền nợ ký quỹ cải tạo - phục hồi môi trường trên địa bàn tỉnh đã lên hơn 47 tỉ đồng, trong đó số DN có mỏ đang khai thác chiếm gần 2,2 tỉ đồng; DN có mỏ hết hạn khai thác chiếm gần 7,8 tỉ đồng; DN có mỏ ngừng khai thác, không triển khai khai thác chiếm trên 37 tỉ đồng. Trong đó, khá nhiều trường hợp DN nợ tiền ký quỹ được Quỹ nhắc nhở nhiều lần, nhưng chây ì, không nộp, như: Công ty CP VRG đá Bình Định; Công ty TNHH TM&DV Thanh Xuân; Công ty CP Phát triển Nguyễn Hoàng; Công ty TNHH Kim Thành…
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng DN không chịu nộp tiền ký quỹ cải tạo - phục hồi môi trường, trong đó có một số DN khai thác đá thuộc khu vực núi Hòn Chà.
- Trong ảnh: Một phần núi Hòn Chà bị sạt lở, nham nhở do nạn khai thác bừa bãi (ảnh chụp ngày 23.3.2019).
● Đâu là nguyên nhân khiến con số nợ lại cao đến thế?
- Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là: Một số tổ chức, cá nhân KTKS gặp khó khăn về tài chính nên không đáp ứng được các khoản nộp hàng năm đối với Nhà nước, trong đó có tiền ký quỹ. Đồng thời, nhiều tổ chức, cá nhân xin dự án nhưng không thể triển khai khai thác, hoặc các đơn vị ngừng khai thác không nộp tiền ký quỹ kéo dài trong nhiều năm, khiến số dư nợ ký quỹ rất lớn không thể thực hiện.
Bên cạnh đó, cũng có việc chuyển nhượng quyền KTKS giữa các tổ chức, cá nhân phát sinh nhiều hơn những năm trước, nhưng hầu như giữa các đơn vị chưa có thỏa thuận về sở hữu tiền ký quỹ đã nộp, nên Quỹ rất khó xác định thuộc đơn vị nào để quản lý, theo dõi và hoàn trả sau khi có quyết định đóng cửa mỏ hoặc có xác nhận hoàn thành toàn bộ dự án.
● Vậy đâu là giải pháp để hạn chế và xử lý tình trạng nợ tiền ký quỹ?
- Chúng tôi vừa làm việc với Sở TN&MT nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tình trạng nợ tiền ký quỹ. Với trách nhiệm của mình, Quỹ BVMT tỉnh sẽ phối hợp với Sở TN&MT tăng cường kiểm tra thực tế và đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân KTKS thực hiện nghĩa vụ ký quỹ, nộp tiền ký quỹ đúng quy định; liên tục cập nhật tình hình, báo cáo UBND tỉnh và Sở TN&MT, để kịp thời chỉ đạo kiểm tra, giám sát trách nhiệm ký quỹ.
Đồng thời, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, xử lý hoặc chỉ đạo cấp có thẩm quyền xử lý những trường hợp chậm nộp, không nộp tiền ký quỹ cải tạo - phục hồi môi trường; chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm về không nộp và chậm nộp ký quỹ theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ đối với các tổ chức, cá nhân có mỏ đang khai thác còn nợ tiền ký quỹ đến cuối năm 2018; chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét từng trường hợp cụ thể để đề xuất thu hồi giấy phép khai thác và yêu cầu cải tạo, phục hồi môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có mỏ không triển khai khai thác, khai thác dở dang rồi ngừng, còn nợ tiền ký quỹ nhiều năm, không thể thu được.
Đối với các mỏ hết hạn, nếu đơn vị không có nhu cầu gia hạn thì đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng yêu cầu các tổ chức, cá nhân lập thủ tục xin trả mỏ, đóng cửa mỏ, thực hiện cải tạo - phục hồi môi trường theo quy định.
Đối với Sở TN&MT, chúng tôi đề nghị Sở chỉ đạo các phòng, cơ quan có liên quan thường xuyên phối hợp với Quỹ để rà soát, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về phục hồi môi trường và ký quỹ theo quy định; phối hợp cùng cấp thông tin về kế hoạch phê duyệt phương án cải tạo - phục hồi môi trường; về cấp phép xây dựng cơ bản nhỏ, tình hình khai thác…
● Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)