Phát triển vùng nguyên liệu mì: Không để... “vỡ ” quy hoạch
Cây mì đã và đang mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân trong tỉnh, nhưng việc phát triển ồ ạt như hiện nay sẽ để lại nhiều hệ lụy. Do vậy, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương phát triển diện tích mì theo đúng quy hoạch và triển khai nhiều biện pháp để tăng hiệu quả sản xuất.
Để phát triển vùng nguyên liệu mì theo hướng bền vững, đảm bảo nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột mì và thu nhập cho nông dân, ngày 28.7.2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2663 phê duyệt quy hoạch phát triển ngành trồng trọt Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó đối với cây mì, toàn tỉnh phát triển ổn định 11.000 ha (Phù Cát và Vân Canh mỗi huyện 2.000 ha, Phù Mỹ và Tây Sơn mỗi huyện 1.800 ha, Vĩnh Thạnh 1.250 ha, Hoài Nhơn 1.000 ha, An Lão 650 ha, Hoài Ân 500 ha), đảm bảo năng suất mì đến năm 2020 đạt bình quân 304 tạ/ha.
Nông dân xã Cát Hiệp (Phù Cát) thu hoạch mì bán cho các nhà máy chế biến tinh bột mì trên địa bàn tỉnh.
Đất quy hoạch trồng mì: Mỗi nơi mỗi kiểu
Tuy nhiên, phần lớn các địa phương đều phát triển diện tích mì không theo quy hoạch trên. Chẳng hạn như tại Vân Canh - địa phương có rất nhiều lợi thế (đất đai, khí hậu, nhà máy chế biến tinh bột mì đang hoạt động trên địa bàn) để phát triển cây mì theo hướng bền vững - nhưng tổng diện tích mì hàng năm ở Vân Canh chỉ dao động từ 1.700 - 1.800 ha, năng suất cũng chỉ 240 - 250 tạ/ha, chưa đảm bảo quy hoạch của tỉnh.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến năm 2019 diện tích mì của tỉnh là 13.813 ha, trong đó có 10.191 ha đã được trồng trong vụ Ðông - Xuân 2018 - 2019 và 3.622 ha sẽ được trồng trong vụ Hè - Thu. Diện tích mì hiện có đã lớn hơn nhiều so với diện tích mì được tỉnh quy hoạch.
Ông Đinh Văn Dũng, nông dân ở xã Canh Thuận, cho biết: Mặc dù đầu ra cây mì rất thuận lợi, nhưng hiệu quả kinh tế không bằng cây keo, nên gia đình ông đã chuyển hơn 1,5 ha đất trước đây trồng mì sang trồng keo. Gia đình ông Dũng chỉ là một ví dụ. Ở Vân Canh có hàng trăm hộ gia đình ở tất cả 7 xã, thị trấn của huyện đã chuyển tổng cộng 574 ha đất trồng mì và mía sang trồng keo.
Ông Nguyễn Bá Đẩu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh, cho hay: UBND huyện đang triển khai nhiều biện pháp để tăng diện tích mì, trong đó có việc vận động nông dân sau khi khai thác keo trồng trên đất nông nghiệp thì chuyển sang trồng mì; chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp để nâng cao năng suất mì, tăng hiệu quả sản xuất.
Khác với Vân Canh, các huyện: Phù Cát, Vĩnh Thạnh, An Lão… lại phát triển rất mạnh cây mì. Tại huyện Phù Cát, riêng vụ Đông - Xuân 2018 - 2019, nông dân đã trồng tới 2.300 ha mì và sẽ tăng thêm 300 ha trong vụ Hè - Thu. Ông Ngô Văn Sinh, ở xã Cát Hiệp, chia sẻ: “Từ khi có hệ thống kênh mương Văn Phong đảm bảo nước tưới, tôi đưa hơn 1 ha đất vào trồng đậu phụng xen mì, làm vậy đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng thuần mì; nhờ đó đời sống cũng được cải thiện nhiều”. Ông Nguyễn Văn Lê, Phó phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, nhận định: Đất đai, khí hậu ở Phù Cát phù hợp cho cây mì phát triển. Chi phí đầu tư trồng mì không cao, đầu ra sản phẩm khá thuận lợi. Hơn nữa, ở nhiều địa phương, người dân đã kết hợp trồng đậu phụng xen mì mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên việc duy trì và mở rộng diện tích mì ở Phù Cát tiến triển khá tốt.
Không để... “vỡ“ quy hoạch
Cây mì được nhiều nông hộ “hít” bởi hiệu quả kinh tế cao, nhưng trong lĩnh vực giống lại có rất ít thay đổi. Nhân một lần nói về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu lưu ý: “Các ngành chuyên môn nên lưu tâm hỗ trợ để nông dân triển khai thực hiện tốt các biện pháp canh tác hợp lý, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất. Các DN sản xuất và chế biến tinh bột mì trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với đơn vị có liên quan nghiên cứu, khảo nghiệm, nhân các giống mì mới, đồng thời thực hiện chính sách đầu tư, thu mua nguyên liệu mì, đảm bảo lợi ích cho bà con nông dân”.
Bên cạnh đó, dù khẳng định lợi ích cây mì là rất lớn, nhưng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu vẫn lo lắng khi loại cây trồng này được đầu tư phát triển không theo quy hoạch. Ông phân tích: Mì là loại cây trồng hút chất dinh dưỡng trong đất rất mạnh, làm cho đất bị thoái hóa nhanh và khó cải tạo để trồng các loại cây trồng khác. Hơn nữa, phát triển cây mì không theo quy hoạch như đang diễn ra dễ dẫn đến tình trạng chặt phá cây lâm nghiệp, lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng mì; tác động rất xấu đến môi trường sinh thái. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát lại quy hoạch và việc thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu mì.
Trong tình hình trên, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát lại diện tích vùng nguyên liệu mì; vận động người dân chuyển đổi các diện tích đất trồng mì trên nương rẫy, đất có độ dốc trên 150 sang trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp hoặc trồng rừng, nhằm tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, phối hợp với các DN nghiên cứu, sản xuất khảo nghiệm và lựa một số giống mì có tiềm năng năng suất cao để chuyển giao cho nông dân đầu tư thâm canh nhằm tăng năng suất, hiệu quả sản xuất.
PHẠM TIẾN SỸ