Ra mắt “Sân khấu Cải lương mới Đại Việt”
“Sân khấu Cải lương mới Đại Việt” vừa được Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Song Việt chính thức ra mắt như một thương hiệu nghệ thuật và tài sản trí tuệ của đơn vị. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng các tác phẩm Cải lương công phu, được đầu tư kỹ lưỡng, có định hướng và phong cách nghệ thuật rõ ràng nhằm góp phần khẳng định sức sống mãnh liệt của loại hình sân khấu dân tộc độc đáo này.
Soạn giả Hoàng Song Việt (thứ hai bên phải), NSƯT Triệu Trung Kiên (thứ hai bên trái) và các nghệ sĩ cải lương tại buổi họp báo ra mắt “Sân khấu cải lương mới Đại Việt”
Tại buổi họp báo chiều 25.3 giới thiệu chương trình “Sân khấu cải lương mới Đại Việt”, soạn giả Hoàng Song Việt và NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết, Sân khấu Cải lương mới Đại Việt ra đời với khát vọng, qua thái độ làm việc nghiêm túc và trách nhiệm cao của tất cả các thành phần sáng tạo (Nhà quản lý, tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, công nhân kỹ thuật, hậu cần…) để xây dựng các tác phẩm vừa đảm bảo các tiêu chí nghệ thuật chuyên nghiệp, vừa thỏa mãn các nhu cầu thưởng thức và giải trí của công chúng. Cùng với đó là học hỏi, áp dụng các công nghệ, phương thức hoạt động mới…, các vở diễn hy vọng sẽ tạo nên sức hút mới đối với các tầng lớp khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Qua đó, tiếp thêm sinh khí nhằm góp phần từng bước phục hồi vị thế cho nghệ thuật sân khấu Cải lương giữa xu hướng phát triển như vũ bão của xã hội đương đại.
Tên gọi “Đại Việt” là danh xưng thể hiện khao khát về một dân tộc Việt lớn mạnh, đặc biệt là về văn hóa, nghệ thuật. Danh xưng Đại Việt cũng đồng thời là niềm tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, niềm tự hào về di sản văn hóa, nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc mà cha ông để lại. Bên cạnh đó, cũng là sự khẳng định niềm tin về những nỗ lực chính đáng, không vụ lợi tất yếu sẽ đem lại thành công và vinh quang.
Các vở diễn của Sân khấu Cải lương mới Đại Việt sẽ được xây dựng với quan điểm bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật dân tộc đích thực, đồng thời từng bước áp dụng những thử nghiệm nghệ thuật cần thiết với liều lượng phù hợp cho từng giai đoạn nhằm làm mới sân khấu Cải lương, tuân thủ tiêu chí và đặc trưng của loại hình nghệ thuật sân khấu này ngay từ buổi đầu hình thành là: “Cải cách hát ca theo tiến bộ - Lương truyền Tuồng, tính sánh văn minh”.
Hiện, Sân khấu Cải lương mới Đại Việt đang dàn dựng vở diễn đầu tiên “Chuyện tình Khau Vai” của PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Xuất phát từ huyền tích về một bi kịch tình yêu, “Chuyện tình Khau Vai” là bản tụng ca về một tình yêu bất diệt, trong sáng và thuần hậu, lòng chung thủy và đức hy sinh, vượt lên trên hết những hủ tục, những nghiệt ngã, trái ngang của cuộc đời để khẳng định giá trị vĩnh cửu. Với tác phẩm này, Sân khấu Cải lương mới Đại Việt mong muốn đem đến cho khán giả những nét phác thảo về một không gian văn hóa đặc sắc với những phong tục, tập quán; những điệu dân ca, dân vũ; những hiện vật và các huyền thoại gắn liền với đời sống, sinh hoạt của các dân tộc miền núi phía bắc.
Dự kiến, các đêm phúc khảo và công diễn vở diễn đầu tiên “Chuyện tình Khau Vai” sẽ diễn ra vào đầu tháng 6/2019 tại TP. Hồ Chí Minh. Trong đêm biểu diễn khai trương, sẽ có một khu vực nhỏ tái hiện không gian văn hóa Khau Vai (xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) với hình thức trưng bày hoặc nghệ thuật sắp đặt các vật phẩm sinh hoạt, công cụ lao động, các hình ảnh, thông tin về văn hóa, đời sống của đồng bào vùng núi cao Hà Giang.
Được biết, trong giai đoạn 1, Sân khấu Cải lương mới Đại Việt sẽ thực hiện xây dựng 2 tác phẩm nữa là “Đoạt hồn” của nhà văn Nguyễn Toàn Thắng và “Lôi Vũ” của tác giả Trung Quốc Tào Ngu.
Theo Chinhphu.vn