Bộ GD-ĐT tái khẳng định xử lý gian lận thi cử không có vùng cấm
Ông Mai Văn Trinh cũng khẳng định, từ sự cố thi năm 2018, Bộ GD-ĐT đã hoàn thiện quy chế thi THPT quốc gia 2019, bảo đảm có muốn gian lận cũng không thể.
Bộ GD-ĐT họp báo ngày 26.3
Ngày 26.3, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) họp báo về tình hình thực hiện nhiệm vụ quý 1 năm 2019 và kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm quý 2 năm 2019.
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã trả lời các câu hỏi của báo chí về xử lý gian lận thi cử, chuẩn bị sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT) mới, giảm áp lực cho giáo viên…
Về xử lý gian lận thi cử, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho hay, Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã nỗ lực suốt 9 tháng qua, kiên quyết xử lý nghiêm mọi sai phạm, không dung túng bất kỳ ai, kết quả điều tra là câu trả lời mà bộ GD-ĐT gửi đến xã hội trong việc quyết tâm loại bỏ mọi gian lận. 2 Bộ đã đầu tư thiết bị, con người để chỉ rõ mọi sai phạm, kết luận chấm thẩm định là kết quả cuối cùng.
Cụ thể, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an chủ trì, Bộ GD-ĐT phối hợp mở rộng điều tra xác minh để xử lý các tiêu cực và gian lận có tổ chức tại Hội đồng thi một số địa phương. Kết quả điều tra cho thấy, đã phát hiện 44 thí sinh tại cụm thi Sơn La với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Tại cụm thi Hòa Bình phát hiện 64 thí sinh, trong đó có 63 người năm 2018 và một người năm 2017 có sự thay đổi, điểm chấm thẩm định giảm so với điểm công bố. Căn cứ kết quả thông báo của Bộ Công an, Bộ GD-ĐT đã thông tin tới các Sở GD-ĐT Hòa Bình, Sơn La yêu cầu cập nhật kết quả thi sau khi chấm thẩm định, xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017, 2018 cho các thí sinh liên quan; thông báo kết quả cho các thí sinh và các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên có liên quan. Bộ GD-ĐT đồng thời yêu cầu các đại học, học viện, trường đại học và các trường cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên, Cục Nhà trường (Bộ quốc phòng) và Cục Đào tạo (Bộ Công an) liên hệ chặt chẽ với các Sở GD-ĐT Hòa Bình, Sơn La để có thông tin về kết quả công nhận tốt nghiệp THPT sau rà soát, kết quả điểm thi tại công văn thông báo của Bộ Công an, của Cơ quan An ninh Điều tra – Công an tỉnh Sơn La để xét tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017, 2018 và thông báo kết quả cho các thí sinh liên quan.
Hiện Bộ GD-ĐT chưa nhận được báo cáo về xử lý của Sơn La, Hòa Bình, nhưng tinh thần là rất nghiêm túc, kiên quyết. Về việc có công bố danh tính của phụ huynh, thí sinh gian lận hay không, theo ông Mai Văn Trinh, điều này đã có nhiều ý kiến, nhưng việc công khai căn cứ vào Hiến pháp, vào luật Dân sự, và nhất là căn cứ vào thực tiễn điều tra của các cơ quan điều tra. Công khai đến đâu, mức độ nào độ nào là quyết định của các cơ quan điều tra. “Công khai đến đâu là căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng, đồng thời phải cân nhắc nhiều yếu tố có thể tác động đến con người, xã hội”, ông Mai Văn Trinh nêu quan điểm.
Hiện Bộ GD-ĐT đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2019. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ được tổ chức như các năm 2017, 2018, tuy nhiên có một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập đảm bảo tổ chức thi khách quan, an toàn, nghiêm túc như: điều động các trường ĐH-CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH-CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình; quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do; thống nhất quy trình, quy cách niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi tại Điểm thi và Hội đồng thi.
Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đảm bảo phòng, chống, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi. Tăng cường chỉ đạo các sở GD-ĐT, các trường ĐH-CĐ thực hiện nghiêm túc công tác lựa chọn, phân công cán bộ thực hiện các khâu của kỳ thi theo đúng quy định của quy chế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng. Đến nay, hệ thống phần mềm quản lý thi và phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được hoàn thiện, đã được tập huấn cho các sở GD-ĐT, các trường ĐH-CĐ và đã sẵn sàng hoạt động; công tác đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019 sẽ được bắt đầu từ 1.4.2019. “Chỉ còn vài tháng nữa là kỳ thi bắt đầu, mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng, Bộ GD-ĐT mong xã hội đồng hành cùng bộ GD-ĐT để tổ chức kỳ thi khách quan, trung thực”, ông Mai Văn Trinh cho hay.
Theo PHAN THẢO (SGGP)