Trung tâm Giống thủy sản Bình Ðịnh:
Lai tạo, ương nuôi thành công giống cá trê lai mới
Trung tâm Giống thủy sản Bình Ðịnh vừa lai tạo được giống cá trê lai từ 2 giống cá trê phi và cá trê vàng. Ðây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo, ương và nuôi thương phẩm cá trê lai tại Bình Ðịnh”. Ðề tài cũng đã xây dựng quy trình ương, nuôi cá giống và nuôi cá trê lai thương phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên ở tỉnh ta.
Quá trình cho sinh sản nhân tạo và ương nuôi giống cá trê lai được thực hiện tại Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Mỹ Châu-Phù Mỹ thuộc Trung tâm Giống thủy sản Bình Định. Trên cơ sở thực hiện sinh sản nhân tạo cá trê lai, những người thực hiện đề tài đã xây dựng quy trình ương nuôi cá trê lai giống và cá trê lai thương phẩm, không chỉ chủ động nguồn con giống, chất lượng đảm bảo hơn, giá cá giống cũng rẻ hơn. Trong quá trình thực hiện đề tài, Trung tâm đã sản xuất trên 3 triệu con cá trê lai giống đảm bảo chất lượng, ngoài cung cấp cho mô hình nuôi thử nghiệm, còn cung cấp cho người nuôi trong tỉnh.
Sau khi cho sinh sản nhân tạo, ương giống thành công, những người thực hiện đề tài nuôi thử nghiệm cá trê lai qua các mô hình trong ao đất, ao phủ bạt, ở những vùng khác nhau. Sau khi nuôi thử nghiệm, Trung tâm đã xây dựng và hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm cá trê lai để cung cấp cho người nuôi.
Theo khảo sát của đề tài, hiện nay, ở những vùng ven biển các xã Mỹ Lợi, Mỹ Đức, Mỹ Châu của huyện Phù Mỹ đã có nhiều hộ dân tiến hành nuôi thương phẩm cá trê lai. Người nuôi không dùng đơn thuần thức ăn công nghiệp, mà tận dụng cá tạp, các loại phế phẩm động vật rẻ tiền kết hợp thức ăn công nghiệp để nuôi cá trê lai. Nhiều người nuôi cá lóc có kết hợp nuôi cá trê lai để tận dụng thức ăn thừa của cá lóc, vừa giảm chi phí vừa làm giảm ô nhiễm môi trường nuôi. Về hiệu quả kinh tế, với giá cá hiện nay từ 28.000-30.000 đồng/kg, người nuôi lãi từ 4.000-6.000 đồng/kg
Kỹ sư Lê Trung Vinh, chủ nhiệm đề tài, cho biết: “Cá trê vàng có trong tự nhiên, thịt ngon, dai, có sức chịu đựng cao, do bị khai thác quá mức nên số lượng dần cạn kiệt. Cá trê phi, có nguồn gốc ở châu Phi, đã được di giống nuôi ở nước ta từ lâu, tăng trưởng nhanh, dễ nuôi. Cá trê lai kết hợp những ưu điểm của 2 loại này nên rất dễ nuôi, có thể nuôi trong ao đất tự nhiên, ao phủ bạt, bể xi măng… Nuôi trong bể xi măng thì tỉ lệ cá sống cao nhưng tăng trưởng chậm, ngược lại ao tự nhiên hao hụt nhiều hơn nhưng tăng trưởng nhanh hơn. Trong quá trình nuôi thử nghiệm, chúng tôi có thể khẳng định cá trê lai sinh trưởng tốt và phù hợp với điều kiện tự nhiên trong tỉnh. Ngoài cá trê lai, Trung tâm sẽ cho sinh sản nhân tạo cá trê vàng để tái tạo nguồn giống cá này trong môi trường tự nhiên ở tỉnh ta”.
HIỀN MAI