Vào mùa “làm nước” tàu cá
Từ tháng 2 âm lịch hàng năm, các triền đà của các cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu cá trong tỉnh luôn tấp nập ghe thuyền của ngư dân đưa lên bờ “làm nước” (tức tu sửa, làm mới lại). Quan sát hoạt động các cơ sở này từ Hoài Nhơn, vào Phù Cát, đến Quy Nhơn… có thể hình dung mức độ thịnh vượng của ngư dân, của nghề biển tỉnh ta.
Thợ xảm tỉ mẩn từng chi tiết làm kín các mối ván trên thân tàu cá.
Tại khu sửa chữa ghe thuyền của DNTN Hải Vân ở thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) có gần 30 tàu cá nằm trên đà để “làm nước”. Theo ông Võ Văn Vân, Giám đốc DNTN Hải Vân, cơ sở chỉ nhận “làm nước” tàu cá, tức là sửa chữa, chà hàu, sơn, xảm lại… Thường thì họ thuê mình làm hết, nhưng cũng có chủ tàu chỉ thuê bãi đà và tự chà hàu, sơn lại. Trung bình mỗi tháng có khoảng 30 lượt ghe thuyền “làm nước” tại đây, tiền bãi được thu dao động từ 1 - 2 triệu đồng/thuyền trong thời gian từ 5-6 ngày lên đà. Tùy theo mức độ sửa chữa nhiều hay ít, mỗi con tàu sẽ có mức chi phí dao động từ 15 - 50 triệu đồng cho mỗi lần “làm nước”.
“Làm nước” cho con tàu tức là duy tu bảo dưỡng cho tài sản, kiểm tra “sức khỏe” của nó, góp phần tăng mức độ an toàn của phương tiện. “Cứ mỗi 6 tháng hoạt động trên biển, mình sẽ cho tàu lên bờ “làm nước” một lần. Có thường xuyên chăm chút, tàu của mình sẽ chắc chắn hơn, ra khơi bám biển cũng sẽ an tâm hơn!”, ông Nguyễn Quen, ở xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ), chủ tàu cá BĐ 92132 TS đang “làm nước” tại thôn An Quang Đông, chia sẻ.
Ông Phạm Văn Sinh, ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát) một thợ vẽ số hiệu ghe thuyền, thổ lộ: “Ngày thường tôi làm lao động tự do, đến mùa trăng thì đi vẽ số hiệu cho ghe thuyền. Tiền công vẽ từ 150 - 200 ngàn đồng/tàu, một mùa trăng tôi vẽ cũng được 30 - 40 tàu, ngó vậy chứ thu nhập cũng khá!”.
Thợ xảm Đặng Văn Long, ở xã Cát Thành (huyện Phù Cát), tâm sự: “Thợ xảm chúng tôi chuyên làm công việc làm kín các mối ván của con tàu để chống vô nước. Việc không nặng nhọc như thợ mộc, thợ nền nhưng lại đòi hỏi chính xác cao bởi liên quan mật thiết với sự an toàn của con tàu khi ra khơi! Do vậy, mình phải tỉ mỉ, chỉn chu từng chi tiết một. Tiền công cũng được 300 ngàn đồng/ngày. Nói chung ngư dân làm ăn được thì thợ chúng tôi cũng được nhờ!”.
Vừa khoan xong và đóng chốt vào các mối ván trên ca bin của chiếc tàu cá đang sửa chữa lại tại khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc sông Hà Thanh, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), thợ mộc Nguyễn Văn Lễ chia sẻ: “Ngày thường chúng tôi chuyên đóng mới tàu cá vỏ gỗ theo hợp đồng nhận khoán. Nhưng đến mùa trăng (từ mùng 10 - 20 âm lịch hàng tháng) ghe thuyền lên bờ sửa chữa nhiều, nên thợ mộc làm không ngơi tay. Thu nhập của thợ cả cũng được 500 ngàn đồng/ngày, còn thợ phụ thì từ 350 - 400 ngàn đồng/ngày”.
Các lao động làm các dịch vụ, như: cạy hà, sơn tàu, dán keo composite, thợ mộc, thợ xảm… thường đi thành nhóm với nhau, cùng sắm máy móc để làm chung khi được chủ tàu thuê. Ông Lê Quang Vụ, ở xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) một thợ dán keo composite làm việc tại triền đà của Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn), cho biết: “Nhóm của tôi có 6 người chuyên dán keo composite cho vỏ tàu để chống thấm nước. Nghề này nói chung cũng có việc làm thường xuyên, thu nhập cũng được hơn 200 ngàn đồng/ngày, mỗi tháng cũng làm được hơn 20 ngày!”.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan, mỗi mùa trăng đến, các triền đà của Xí nghiệp đón hơn 100 lượt tàu cá đưa lên bờ “làm nước”, tạo việc làm ổn định cho khoảng 200 thợ mộc và 300 lao động làm việc thời vụ với mức thu nhập ổn định. Năm 2017, Nhà máy đóng tàu vỏ thép của Xí nghiệp được xây dựng và đưa vào hoạt động. Tính đến nay, nhà máy đã sửa chữa, bảo dưỡng 30 tàu cá vỏ thép đóng theo NĐ 67 cho ngư dân trong tỉnh.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN