Người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng:
Đường về còn lắm gập ghềnh
Sống lương thiện sau khi chấp hành án phạt tù không chỉ là khát vọng của những người một thời lầm lỗi, mà còn là mong mỏi của cả cộng đồng. Tuy nhiên, để ước mong ấy không chỉ dừng lại ở suy nghĩ, đòi hỏi người trong cuộc phải một lần nữa nỗ lực chiến thắng bản thân và những người xung quanh cần bằng hành động cụ thể với tấm lòng vị tha, khoan dung, tin tưởng.
Làm lại cuộc đời
Từ một chàng sinh viên cao đẳng luật với tương lai rộng mở, bỗng trở thành phạm nhân khép mình sau song sắt, những ngày đầu bị cách ly với xã hội, H. (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) thấy đời mình như đã chấm hết. Nhưng tình yêu thương của gia đình đã vực H. dậy, làm H. hiểu rằng mình phải cải tạo tốt để làm lại cuộc đời.
Nhưng rồi, ra tù với cái lý lịch tì vết tiền án cố ý gây thương tích, H. đi xin việc ở đâu cũng bị từ chối. H. chia sẻ: “Làm người ai cũng có sai lầm, nhưng quan trọng là biết sửa sai. Tôi từng phạm tội, nhưng đã bị pháp luật trừng phạt và bây giờ muốn làm lại cuộc đời bằng chính sức lao động của mình, vậy mà khó quá”. Vì phải lo khắc phục hậu quả do con mình gây ra nên cha mẹ H. đã phải bán hết tài sản. Một việc làm để nuôi thân với H. lúc ấy quan trọng biết nhường nào. Giữa lúc mất phương hướng thì H. may mắn được một người quen tin tưởng cho mượn vốn mở quán ăn nhỏ. Từ đây cuộc sống của H. sang trang mới. Bây giờ, sau 7 năm chăm chỉ lao động, anh H. đã mua xe tải nhỏ để chở hàng và có một gia đình nhỏ hạnh phúc.
Còn T. (phường Quang Trung), vừa mới ra tù hồi đầu năm nay, chia sẻ: “Vì thiếu suy nghĩ nên tôi mới phải trả giá, bây giờ phải sống tốt để chuộc lại lỗi lầm”. Những tháng ngày ở tù vì tội bắt giữ người trái phép, T. hiểu rằng, mình phải tự chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình. Mãn tù, T. được anh trai bảo lãnh nên vừa được nhận vào làm công cho một cửa hàng bán vật liệu xây dựng. T. rất vui và tự nhủ: “Dù cuộc sống còn nhiều thử thách nhưng tôi sẽ cố gắng sống tốt để chứng minh rằng, tội lỗi kia không phải là bản chất của một con người”.
Trường hợp của N.T. (phường Quang Trung), dù chỉ bị xử tù treo về tội cố ý gây thương tích nhưng điều đó cũng làm anh cảm thấy bị cô lập, mất tự tin trong thời gian thi hành án, dù vẫn ở tại địa phương. Nhưng điều may mắn của N.T. lúc đó là đã nhận được sự quan tâm của gia đình, Đoàn phường cùng CA địa phương. Những tình cảm đó khiến N.T. suy nghĩ nhiều hơn đến tương lai của mình. N.T. được khuyến khích tham gia công tác xã hội tại địa phương và sau khi mãn hạn tù đã được nhận vào làm nhân viên tại một doanh nghiệp. Hiện N.T. đang tham gia sinh hoạt Đoàn tại địa phương và năm 2011 được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen vì thành tích trong hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.
Cần những hành động thiết thực
Thực tế, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân không tránh khỏi sự e ngại khi tiếp xúc những người mãn hạn tù trở về, cũng như từ chối tiếp nhận họ vào làm việc. Không phủ nhận mong muốn những người một thời lầm lỗi tu sửa mình để sống tốt cho bản thân, gia đình và xã hội, song nhiều người, tổ chức cũng giữ thái độ “cẩn thận vẫn hơn” khi tạo mối quan hệ với những trường hợp này.
Bên cạnh yếu tố chủ quan là mặc cảm về quá khứ, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người ra tù hụt hẫng, thiếu tự tin để làm lại cuộc đời, từ đó dễ tái phạm. Theo thống kê của CA tỉnh, từ năm 2011 đến nay, tỉ lệ số đối tượng có tiền án, tiền sự gây án chiếm gần 23% trong tổng số đối tượng vi phạm.
Vì vậy, để giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả, cần sự chung sức của chính quyền, các đoàn thể cơ sở, người dân bằng những hành động cụ thể. Từ năm 2008 đến nay, Đoàn phường Quang Trung đã quản lý giáo dục 28 đối tượng chậm tiến, trong đó có 2 đối tượng tù về, nay đã có 8 đối tượng thực sự tiến bộ. Bí thư Đoàn phường, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, chia sẻ: “Chúng tôi chủ động tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng đối tượng, các mối quan hệ của họ rồi dần tiếp cận, dùng tình cảm, tình bạn để tạo sự gần gũi, tin tưởng, từ đó vận động họ cùng tham gia hoạt động xã hội, hoạt động phong trào địa phương, tránh xa môi trường, bạn bè xấu”.
Với ý nghĩ những người mới đi tù về không có việc làm thì họ sẽ dễ tái phạm, ông Phạm Quang Đức, ở KV 8, phường Lê Lợi (TP Quy Nhơn), tìm cách tiếp cận những đối tượng này để tìm hiểu, giúp đỡ. Ông Đức chính là người đã tin tưởng cho anh H. (phường Hải Cảng) mượn vốn làm ăn. Và H. là một trong số nhiều trường hợp tù về đã được ông giúp đỡ.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng CA phường Thị Nại, TP Quy Nhơn, cho biết: “Đều đặn 2 lần/năm, CA phường tổ chức gặp mặt động viên, định hướng việc làm cho các đối tượng tù về, ngoài ra còn ký giấy xác nhận bảo đảm để họ có thể tìm được việc làm. Nhờ làm tốt công tác tiếp cận, động viên kịp thời nên trong số 8 người ra tù về tại địa phương đã có 5 người có việc làm ổn định”.
Một người hoàn lương trở về “con đường sáng” không chỉ đem lại niềm vui cho gia đình, mà còn bớt được một mối nguy hiểm, bất ổn cho xã hội. Vì thế, quan tâm, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù trở về không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành CA, mà là của cả cộng đồng.
KIỀU ANH