Những người làm công tác xã hội ở bệnh viện: Hình ảnh thân thiện mới
Các phòng, tổ công tác xã hội hỗ trợ bệnh nhân và người nhà trong quá trình điều trị đang tạo thêm một hình ảnh mới về bệnh viện thân thiện. Ði đầu trong hoạt động này là các đơn vị: BVÐK tỉnh, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, BVÐK khu vực Bồng Sơn, TTYT huyện Hoài Ân...
Chương trình cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa.
Ngày 27.2.2018, từ quy mô là tổ công tác xã hội (CTXH), BVĐK tỉnh đã thành lập phòng CTXH với 3 biên chế chính thức, 10 hợp đồng (đa số là hợp đồng lao động phổ thông). Ông Nguyễn Phan Thạch, Trưởng phòng CTXH BVĐK tỉnh, cho biết: “Trong năm qua, Phòng đã huy động được hơn 1,13 tỉ đồng để hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Nhiều chương trình khác cũng được tổ chức như: tặng quà cho hơn 23.200 bệnh nhân nghèo và bệnh nhân nguy kịch tại các khoa lâm sàng, tổng trị giá gần 466 triệu đồng; phối hợp Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng Bộ Y tế trao 80 triệu đồng cho bệnh nhân ung thư; tổ chức chương trình Xuân yêu thương... Chúng tôi cũng đã hỗ trợ, tư vấn giải quyết các khúc mắc cho bệnh nhân và người nhà của họ trong quá trình khám chữa bệnh tại đây. Đồng thời phổ biến kiến thức, nhất là những kiến thức liên quan đến chăm sóc sức khỏe; tổ chức các hoạt động từ thiện, công tác xã hội của bệnh viện tại cộng đồng...”.
Dù công việc còn mới mẻ, nhiều khó khăn, nhưng tất cả những cán bộ CTXH mà tôi có dịp trò chuyện, gặp gỡ đều cho biết, họ hạnh phúc khi được san sẻ với bệnh nhân và thân nhân của họ. Anh Nguyễn Thành Vỹ, Trưởng Khoa điều dưỡng, tổ trưởng tổ CTXH TTYT huyện Hoài Ân còn cho rằng: “Tổ chức CTXH ở tuyến huyện bước đầu chỉ là hoạt động từ thiện thôi, nhưng đã rất khó khăn. Dù vậy chúng tôi cố gắng thành lập tủ quần áo từ thiện, trao các suất cháo, cơm từ thiện vào 11 buổi sáng, trưa hàng tháng. Giúp được bà con nghèo tự chúng tôi đã thấy vui rồi”.
Ở những cơ sở điều trị đã thực hiện mô hình CTXH, có đội ngũ tình nguyện viên tham gia hỗ trợ bệnh nhân… những trở ngại, trục trặc trong quá trình khám, điều trị giảm đi khá nhiều. Phòng CTXH ở Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa có 9 cán bộ hầu hết đều làm việc kiêm nhiệm nhưng thực tế cho thấy bộ phận này đã góp phần tạo dựng uy tín về chất lượng, mức độ thân thiện của bệnh viện trong cộng đồng.
Chị Lê Thị Ngọc Hiệu, Phòng CTXH (Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa) cho biết: “Từ cuối năm 2017 đến nay, Phòng đã huy động được hơn 2,3 tỉ đồng để hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Tuy nhiên, làm CTXH không phải chỉ là làm từ thiện, hỗ trợ vật chất, tham gia tháo gỡ khó khăn cho bệnh nhân. Chúng tôi còn tư vấn, giới thiệu dịch vụ khám, chữa bệnh; tổ chức thăm hỏi nắm bắt thông tin bệnh nhân, xác định mức độ và có phương án báo cáo lãnh đạo hỗ trợ kịp thời về mặt tâm lý, đồng hành cùng bệnh nhân”.
Nghề CTXH đang phát triển và bắt đầu thành hình tại các bệnh viện, cơ sở điều trị. TS Phan Thị Kim Dung (Khoa Tâm lý - Giáo dục &CTXH, Trường ĐH Quy Nhơn) cho biết: “Bảo vệ bệnh nhân, hỗ trợ tâm lý, trở thành điểm tựa tinh thần cho bệnh nhân và người nhà là những nội dung mà người làm CTXH ở bệnh viện hướng tới. Để trở thành chỗ dựa cho các bệnh nhân, người làm CTXH cần được đào tạo bài bản, chuyên biệt, phải quy định những việc họ cần được tham gia trong quá trình chăm sóc sức khỏe bệnh nhân”.
HẢI YẾN