Xã Canh Thuận: Hòa giải tốt, giữ tình làng nghĩa xóm
Xã Canh Thuận (Vân Canh) có 7 làng và 1 thôn, với 365 hộ dân, trong đó có 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, ở địa phương xuất hiện tình trạng người dân lấn chiếm đất của nhau để trồng rừng, thêm vào đó là ranh giới đất đai giữa các hộ không rõ ràng, đã dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp, làm cho mối quan hệ giữa xóm giềng rạn nứt. Tuy nhiên, nhờ có sự vào cuộc trách nhiệm của các tổ hòa giải trong xã, tình trạng mâu thuẫn trong xóm làng được hạn chế bội phần. Cụ thể, trong số 12 vụ việc tranh chấp trong dân xảy ra từ đầu năm đến nay, thì có đến 8 vụ liên quan đến đất đai, và đã có 6/8 vụ được hòa giải thành.
Đơn cử như vụ tranh chấp đất giữa ông La Văn Lan và ông Đinh Văn Thấp, ở làng Hà Văn Trên. Do đất canh tác của hai gia đình liền kề nên ông Lan đã tự ý lấn sang phần đất của ông Thấp làm rẫy. Sự việc xảy ra khiến cho hai bên gia đình xung đột. Sau khi phát hiện vụ việc, các hòa giải viên của làng đã đến tận nhà của ông Lan để giải thích trước, sau đó mời hai bên gia đình ngồi lại cùng nhau nói chuyện, làm hoà. Trong vụ việc này, phải đến 3 lần lên xuống và thuyết phục, tổ hòa giải làng mới giải quyết vụ việc êm xuôi. Ông Nguyễn Sinh Cơ, Bí thư chi bộ làng Hà Văn Trên, tổ trưởng tổ hòa giải làng, chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn hoà giải thành, trước hết người làm công tác hoà giải phải am hiểu pháp luật, có uy tín, sự nhiệt tình, nắm bắt thông tin và nhận định đúng vấn đề. Khi các bên có tranh chấp, mâu thuẫn thấy mình nói thấu tình đạt lý, giúp đỡ tận tình thì họ mới “tâm phục, khẩu phục” để “chín bỏ làm mười”, giữ cho tình làng nghĩa xóm được bền lâu”.
Hiện Canh Thuận có 8 tổ hòa giải với 40 thành viên. Khi tiếp nhận các vụ việc, các thành viên trong các tổ hòa giải đều trực tiếp đến nơi xảy ra tranh chấp và gặp những người trong cuộc để xác minh, tìm hiểu rõ nguyên nhân, từ đó tìm cách giải quyết phù hợp. Nhờ khéo léo vận dụng các quy định của pháp luật và các quy định của làng, nên các hòa giải viên đã giải quyết kịp thời những vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong dân, tránh được tình trạng khiếu nại kéo dài, đông người, vượt cấp. Ông Nguyễn Xuân Thạnh, công chức Tư pháp - hộ tịch xã Canh Thuận, cho biết: “Xác định công tác tuyên truyền pháp luật là “mưa dầm thấm lâu”, nên tại các cuộc họp làng, họp chi bộ và quân dân chính hàng tháng, lãnh đạo xã đều chỉ đạo lồng ghép phổ biến những kiến thức pháp luật cho cán bộ, bà con dân làng. Từ đây, nhà nào có việc gì, hay mâu thuẫn gì cũng được đưa ra trao đổi và giải quyết ngay”.
NHẬT LINH