Lần đầu tiên mổ thức tỉnh thành công bệnh nhân u não
Một ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 tiếng, các bác sĩ đã cắt được toàn bộ khối u trong não của một bệnh nhân. Điều đặc biệt là bệnh nhân thức tỉnh 2 tiếng đồng hồ trong ca phẫu thuật.
Các bác sĩ của bệnh viện Việt Đức đã tiến hành thành công ca mổ theo phương pháp u não thức tỉnh.
PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết, đây là lần đầu tiên, các bác sĩ của Việt Nam làm chủ và phẫu thuật thành công u não cho bệnh nhân trong lúc bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và còn hát, trò chuyện với các phẫu thuật viên.
Thành công này ghi một dấu mốc trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh của Việt Nam. Trước đó 7 năm, bệnh viện Việt Đức đã từng mời chuyên gia châu Âu đến mổ theo phương pháp này, nhưng cả 2 lần đều thất bại. Đến tháng 1.2019, Bệnh viện đã mổ thành công cho một bệnh nhân với sự hỗ trợ của các chuyên gia người Nhật.
Và ngày 22.3 vừa qua, lần đầu tiên, các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành thành công ca mổ theo phương pháp này.
“Áp lực với chúng tôi vô cùng lớn, dù đã từng mổ hàng nghìn ca sọ não. Vì nếu thành công, người bệnh sẽ được hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn rất nhiều. Sau ca mổ kéo dài 3 tiếng, chúng tôi đã cắt toàn bộ khối u trong não của bệnh nhân và phải đợi đến hôm nay, khi bệnh nhân bình phục hoàn toàn, chúng tôi mới công bố”, PGS.TS Đồng Văn Hệ chia sẻ.
Điều đặc biệt của ca mổ này, PGS.TS Đồng Văn Hệ chia sẻ, các bác sĩ đã tiến hành mổ não và trong 2/3 thời gian mổ ban đầu, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, không gây mê. Trong khi mổ, bệnh nhân vẫn nói, hát… để các bác sĩ nhận biết được các dây thần kinh, tránh cắt phải dây thần kinh ngôn ngữ hay vận động. Vì nếu cắt khối u vào vùng vận động, bệnh nhân có thể bị liệt.
Bệnh nhân của ca mổ đặc biệt này là ông Cao Quang Cảnh, 55 tuổi, ở Đồng Hới, Quảng Bình, có khối u trong não 2,3cm x 3,6cm, gây chèn ép, khiến bệnh nhân bị đau đầu, chân tay tê bì, đi lại không vững. Sau khi được tư vấn về phương pháp này, bệnh nhân và gia đình đã đồng ý hợp tác mổ theo phương pháp mổ thức tỉnh.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, nếu mổ cắt khối u theo phương pháp thông thường thì nguy cơ bệnh nhân bị câm, bị liệt rất cao, do khi mổ bệnh nhân được gây mê, nên nếu bác sĩ chạm vào tế bào vùng nói hay vùng vận động cũng không biết. Vì vậy, để an toàn, bác sĩ thường không cắt hết khối u, do đó, bệnh dễ tái phát. Còn mổ thức tỉnh, bệnh nhân chỉ được gây tê, hoàn toàn tỉnh táo nên nếu bị chạm vào cùng nguy hiểm, sẽ có phản xạ để bác sĩ biết được ngay mà tránh.
PGS.TS Đồng Văn Hệ cũng cho biết, phương pháp mổ thức tỉnh còn được áp dụng phẫu thuật cho nhiều loại tổn thương u khác hoặc không phải u trong não… Thời gian tới, Bệnh viện Việt Đức sẽ tiếp tục hoàn thiện để kỹ thuật này trở thành thường quy và có thể chuyển giao cho nhiều cơ sở phẫu thuật thần kinh trong nước, giúp người bệnh được điều trị các kỹ thuật hiện đại mà chi phí không cao hơn phương pháp cũ.
Theo Thúy Hà (Chinhphu.vn)