Dự án Năng lượng nông thôn II:
Không đảm bảo kế hoạch đề ra
Mới đây, Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) đã làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình thực hiện Dự án (DA) Năng lượng nông thôn II (RE II) tại tỉnh ta. Ðiều đáng quan ngại là tiến độ triển khai DA RE II ở tỉnh ta quá chậm, không đảm bảo tiến độ đề ra…
DA RE II là DA sử dụng vốn vay của WB để đầu tư mới và cải tạo hệ thống lưới điện ở vùng nông thôn. Mục tiêu của DA nhằm mở rộng, nâng cấp hệ thống lưới điện ở các địa phương từ trước đến nay chưa có điện lưới quốc gia hoặc đã có nhưng bị xuống cấp, điện năng tiêu hao lớn. Đồng thời, DA cũng hỗ trợ cung cấp điện để mở rộng sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương nằm trong vùng hưởng lợi của DA.
Nhờ có Dự án RE II, xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão) đã có điện lưới quốc gia.
- Trong ảnh: Điện lưới quốc gia kéo đến tận các làng của xã An Toàn. Ảnh: N.T
Cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn
Ở tỉnh ta, nhiều xã có nguyện vọng tham gia DA RE II. Tuy nhiên, qua chọn lọc và cân đối nguồn vốn, WB đã đồng ý cho 51 xã được tham gia DA này và chia làm 2 đợt. Trong đó, 25 xã tham gia đợt 1, được triển khai thi công từ năm 2006, đến nay đã hoàn thành toàn bộ. Đối với 26 xã tham gia đợt 2, Bộ Công Thương và WB đã chính thức giải ngân triển khai từ ngày 11.7.2008. Khối lượng thi công đợt 2 tương đối lớn, chiều dài xây dựng đường dây hạ áp tổng cộng là 471,17 km. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn này là 164,9 tỉ đồng. Trong đó vốn vay của WB 134 tỉ đồng và vốn đối ứng của tỉnh trên 30 tỉ đồng. Đến nay, có 20 xã thi công hoàn thành 100% khối lượng, 6 xã hoàn thành từ 60 đến 70% khối lượng.
Đánh giá về lợi ích của DA RE II, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho rằng: “Các công trình điện nông thôn ở tỉnh ta được xây dựng từ khá lâu, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nên lưới điện ở nhiều khu vực xuống cấp nặng nhưng không có kinh phí sửa chữa. Bởi vậy, khi được tham gia DA, các xã này có điều kiện đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện một cách đồng bộ, điện áp sẽ ổn định hơn và giá bán điện đến hộ sử dụng đảm bảo như giá Nhà nước quy định. Ngoài ra, DA còn tạo sự khang trang và tăng thêm mỹ quan cho bộ mặt nông thôn, thực hiện cơ bản tiêu chí về điện trong Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương”.
Ông Huỳnh Ngọc Việt, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định, cho biết: “Qua thực tế từ các địa phương tham gia DA RE II đã đưa công trình vào vận hành cho thấy, lợi ích mang lại từ DA này khá lớn. Sau khi đóng điện, chất lượng điện năng ở những địa phương này luôn ổn định, không có hiện tượng cuối nguồn bị sụt áp, tỉ lệ tổn thất điện năng giảm đáng kể. Ngoài ra, nhờ chất lượng nguồn điện ổn định, nên từ khi các công trình điện thuộc DA RE II đưa vào sử dụng, người dân đã có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị để phát triển một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”.
Tiến độ chậm, dừng thi công ở 6 xã
Trong quá trình triển khai DA RE II, UBND tỉnh nhận thấy, đây là một DA rất phức tạp bởi triển khai trên diện rộng, liên quan trực tiếp đến hàng chục ngàn hộ dân và tiến hành trong thời kỳ kinh tế trong nước và thế giới suy giảm với nhiều biến động khó lường. Bên cạnh đó, RE II mở rộng có yếu tố vốn vay nước ngoài nên khi thực hiện vừa phải theo luật pháp của Việt Nam, vừa phải tuân thủ các quy định của WB cũng như Hiệp định vay vốn trong các quy trình làm thủ tục, hồ sơ, tổ chức đấu thầu… Do vậy, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã liên tục yêu cầu Ban Quản lý DA RE II tỉnh phải đẩy nhanh tiến độ DA.
Ông Nguyễn Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương, Trưởng Ban quản lý DA RE II của tỉnh - cho biết: “Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, trong quá trình triển khai thực hiện DA RE II đợt 2, tỉnh ta gặp phải một số khó khăn, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Cụ thể, công tác phối hợp trong việc giải phóng mặt bằng thi công giữa chính quyền địa phương và các đơn vị thi công chưa thực hiện tốt. Đối với các xã đã bồi thường, các hộ dân bị ảnh hưởng trong vùng DA nhận tiền bồi thường nhưng không giải phóng mặt bằng. Một số hộ dân ở Phước Hòa (Tuy Phước), Ân Tường Tây (Hoài Ân), Mỹ Thọ (Phù Mỹ) không nhận tiền đền bù vì cho rằng giá đền bù thấp và cản trở không cho thi công…”.
Do gặp phải nhiều khó khăn, nên tiến độ triển khai DA RE II ở tỉnh ta giai đoạn cuối là rất chậm, không đảm bảo tiến độ đề ra. Ông Văn Tiến Hùng, Chủ nhiệm DA RE II của WB tại Việt Nam, đánh giá: “Theo Hiệp định vay vốn WB, DA RE II trên địa bàn tỉnh Bình Định phải bàn giao đưa vào sử dụng và giải ngân xong toàn bộ vốn ODA trước tháng 6.2014. Vì vậy, thời gian còn lại để triển khai DA này là không nhiều, trong khi đó khối lượng công việc còn lại khá lớn, nên khả năng hoàn thành DA theo kế hoạch là không đảm bảo. Do đó, Ban quản lý DA RE II tỉnh nên dừng việc triển khai thi công tiếp ở 6 xã chỉ mới thi công hoàn thành từ 60 đến 70% khối lượng, tiến hành quyết toán công trình để bàn giao cho ngành Điện tiếp nhận thi công tiếp. Có như vậy thì DA mới đảm bảo triển khai đúng kế hoạch”.
Sau khi trao đổi, đánh giá khả năng, năng lực của các bên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đồng ý với đề nghị của WB là tỉnh sẽ dừng thi công ở 6 xã chưa hoàn thành, tiến hành quyết toán công trình và yêu cầu Ban quản lý DA RE II tỉnh làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm tiến độ DA. Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu đơn vị tiếp nhận thi công phần công việc còn lại phải lưu ý khắc phục những khó khăn nêu trên, đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa DA về đích đúng hẹn.
NGỌC THÁI